Mong đợi của cử tri

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/05/2022 04:20 GMT+7

Báo cáo kiến nghị cử tri trước Quốc hội sáng 23.5, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo giải quyết thấu đáo những “tồn đọng” về đất đai do lịch sử để lại.

Những “tồn đọng” về đất đai, theo báo cáo của MTTQ VN là quản lý, sử dụng đất đai; là những khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở; hay tình trạng những dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất.

Đó thực sự là những vấn đề “tồn đọng” từ rất lâu. Cách đây 4 năm, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (2018), Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN khi đó là ông Trần Thanh Mẫn - nay là Phó chủ tịch thường trực của Quốc hội khóa XV, cũng nêu ra chừng ấy vấn đề: quản lý đất đai chưa chặt chẽ, quy hoạch chưa được công khai, thu hồi đất thiếu minh bạch, hỗ trợ, đền bù còn nhiều hạn chế, tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương…

Trong suốt 4 năm qua, ở kỳ họp nào của Quốc hội, người ta cũng được nghe cử tri, nhân dân kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, giải quyết thấu đáo, triệt để những “vấn đề đất đai” nói trên, dù cách diễn đạt có thay đổi đôi chút. Những bất cập trong quản lý đất đai trở thành vấn đề nhức nhối trong bức tranh kinh tế xã hội trong nhiều năm qua.

Nhưng không chỉ có đất đai, hàng loạt lo lắng của người dân, kiến nghị của cử tri cũng đang trở thành những kiến nghị “kinh niên” khi xuất hiện trong gần như tất cả các báo cáo ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội. Đó là vấn đề vật giá leo thang trong khi việc tăng lương luôn bị trì hoãn; là tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông sản; là sự chậm chạp trong cải cách thủ tục hành chính hay sự ì trệ trong giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công…

Lẽ đương nhiên, cử tri nhân dân còn lo lắng, băn khoăn thì các kiến nghị này sẽ tiếp tục hiện diện trong báo cáo gửi tới Quốc hội. Song, điều đó cũng phản ánh một sự thật rằng việc giải quyết các kiến nghị này chưa có nhiều hiệu quả trong suốt nhiều năm qua.

Từ lâu, đã có nhiều ý kiến đề nghị báo cáo ý kiến, kiến nghị cử tri của MTTQ VN cần có phần đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị được gửi tới Quốc hội, song tới nay vẫn chưa thực hiện được. Các kiến nghị được gửi tới Quốc hội với tất cả những bức xúc, trăn trở, lo lắng của cử tri và nhân dân, song chính người dân lại không biết những kiến nghị của mình được giải quyết ra sao.

Có lẽ đã đến lúc cần có sự đo đếm, đánh giá cụ thể việc thực hiện những kiến nghị của cử tri, nhân dân vốn luôn được dành cho vị trí trang trọng tại phiên khai mạc của các kỳ họp Quốc hội. Bởi kiến nghị của nhân dân gửi tới Quốc hội là để được giải quyết chứ không phải chỉ để phát trên sóng truyền hình quốc gia, nghe rồi để đó. Có thế mới thực sự đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân, cử tri cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.