Nhiều nông dân trồng cà phê thiếu vốn trong khi nguồn tín dụng cho tái canh cà phê trong ngân hàng còn rất dồi dào.
|
Không biết ngân hàng cho vay
Hai năm gần đây, ông Phan Xuân Linh ở buôn Rư, xã Cư Suê, H.Cư Mgar (Đắk Lắk) tự tái canh vườn cà phê theo cách của mình. Gia đình ông có hơn 1 ha cà phê già trên 25 tuổi, năng suất ngày càng giảm. Ông Linh tính, nếu phá bỏ vườn cây một lúc thì phải mất ít nhất 2 năm cải tạo đất mới trồng lại cà phê, trong khi không có thu nhập. Học cách làm của một người bà con, ông Linh tái canh theo kiểu ghép cà phê “cuốn chiếu”, nghĩa là cây nào già nhất được cưa gốc trước để ghép vào giống mới, lần lượt như vậy ông đã thay mới gần nửa vườn cây. Với cách tái canh này, cây cà phê ghép mọc trên gốc cũ cho thu hoạch nhanh hơn cách trồng mới. “Vì không biết ngân hàng cho vay tái canh cà phê nên nhiều nông dân trong vùng thiếu vốn như tôi phải chọn cách thay thế vườn cây già bằng cách ghép này vì không phải đầu tư nhiều tiền một lúc”, ông Linh thổ lộ.
Theo ông Đặng Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND xã Cư Suê, cả xã có 1.185 ha cà phê, trong đó gần 50% diện tích già cỗi, cần thay thế. “Hầu hết nông dân trong xã phải tự lo tái canh, mỗi năm chỉ được vài chục hécta do không đủ vốn. Chúng tôi cũng nghe nói ngân hàng có nguồn vốn cho vay thực hiện chương trình tái canh, nhưng chưa có thông tin chính thức việc triển khai thủ tục vay như thế nào nên cả xã chưa có ai vay vốn diện này”, ông Hoan cho biết.
Lãi vay kém thu hút
Tháng 6.2013, UBND tỉnh Đắk Lắk và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã ký kết kế hoạch gói tín dụng 3.000 tỉ đồng cho vay thực hiện tái canh 25.625 ha cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2016. Theo quy định, mỗi hécta tái canh được ngân hàng cho vay từ 150-200 triệu đồng trong thời hạn 7 năm, nhưng trước khi trồng lại cà phê phải bảo đảm điều kiện đất được cải tạo để sạch mầm bệnh hại. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, dư nợ cho vay theo chương trình này của Chi nhánh Agribank Đắk Lắk chỉ được gần 110 tỉ đồng, trong đó 62,5 tỉ đồng cho doanh nghiệp cà phê vay, còn lại 47,4 tỉ đồng là dư nợ của nông hộ.
Ông Phan Thông Thái, Trưởng phòng Tín dụng Chi nhánh Agribank Đắk Lắk, thừa nhận tiến độ giải ngân của gói tín dụng tái canh cà phê là chậm so với kế hoạch, vốn ngân hàng còn nhiều trong khi số lượng khách hàng vay, nhất là nông dân, còn quá ít. Theo ông Thái, lãi suất vay của gói tín dụng tái canh cà phê còn ở mức cao (9%/năm) nên kém hấp dẫn đối với nông dân. “Chúng tôi đã đề xuất hạ lãi suất vay tái canh cà phê xuống khoảng 6%, bằng với gói tín dụng cho bất động sản, nhưng chưa được chấp nhận”, ông Thái chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng dư nợ tái canh thấp còn do nhu cầu vốn đầu tư của nông dân trong từng thời điểm không cao. Muốn tái canh, nông dân phải chặt cà phê già cỗi, để đất trống hoặc trồng cây ngắn ngày trong 2 năm nên thời gian này không phải vay vốn ngân hàng. Mặt khác, nhiều nông dân chọn cách tái canh từng phần vườn cây, mỗi năm trồng mới thay thế một ít nên chi phí thấp, không cần đến vốn vay. Tuy nhiên, ông Thái không lý giải được lý do ở một số địa bàn trong tỉnh người nông dân có nhu cầu vay nhưng chưa được thông tin và tiếp cận nguồn tín dụng tái canh cà phê.
Ngọc Quyền
>> Thay vườn cà phê già cỗi - lực bất tòng tâm
>> Doanh nghiệp thuê người 'giải tỏa nóng' đất trồng cà phê của dân
>> Tìm giải pháp hỗ trợ người dân trồng cà phê
Bình luận (0)