Quà nhớ, quà thương
Chị Minh Trang, 40 tuổi, cảm nhận rõ nụ cười ấm áp của cô giáo cũ đã ngoài 70 tuổi khi tới chúc tết. Giỏ quà giản dị chị cùng bạn học chọn mang tới là thuốc bổ và cuốn sách mới được giải thưởng Sách quốc gia. "Cô là người Hà Nội nên chúng tôi chọn cuốn sách Còn ai hát về Hà Nội của nhà Hà Nội học Nguyễn Trương Quý. Cô đọc xong rất vui, nhắn chúng tôi lần sau nhớ tặng thêm sách về Hà Nội nữa", chị Minh Trang nói.
Tặng sách, dù còn lẻ tẻ chưa nhiều, song cũng đã là một xu hướng tặng quà. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đủ để vài năm nay, nhiều đơn vị làm sách đều đặn ra sản phẩm sách cho tết. Trong đó, Công ty Đông A thường phối hợp NXB Văn học ra những cuốn Sách Tết trước Tết Nguyên đán. Năm nay, Sách Tết Giáp Thìn 2024, một hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết của hai đơn vị này, có nội dung do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn.
Các nhà thiết kế quà tặng cũng nhiều năm nay có các thiết kế đầu xuân. Những thiết kế này thường liên quan đến các con giáp. Với những mẫu sản phẩm đã quen thuộc với thị trường, các đơn vị sở hữu đôi khi lại thay đổi mẫu mã gói quà cho thích hợp. Trong khi đó, một số đơn vị đã có sản phẩm tốt, thiết kế bao bì tốt được thử thách qua nhiều năm lại tiếp tục giữ những nét văn hóa riêng trong sản phẩm của mình.
Nhà thiết kế (NTK) Lê Huy (thương hiệu Lam Phong) năm nay có mẫu quà Chuyện của rồng với quả trứng và chú rồng nở ra từ đó. Theo NTK Lê Huy, trứng rồng được làm bằng gỗ hương cùng chất liệu sơn mài truyền thống. Vỏ trứng có hoa văn mây lửa cách điệu từ đồ án hoa văn trên bậc thềm đá điện Kính Thiên, một bảo vật quốc gia. Những đám mây cuộn tròn cũng gợi ra hình ảnh rồng giống như rồng gặp mây, mây hóa rồng. "Đó là lời cầu chúc mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, may mắn và hanh thông", NTK này cho biết.
Cũng như những năm trước, quà tặng của NTK Lê Huy vẫn duy trì nhiều phiên bản với chất liệu khác nhau. Năm nay, chú rồng nhỏ được làm bằng 2 chất liệu: đồng thau và bạc nguyên khối, làm thủ công hoàn toàn. Khi để phía trên, rồng như đang bay lên từ quả trứng trong dáng "Thăng Long" hoặc đặt dưới đế ngắm quả trứng khổng lồ trong thế nằm nghiêng tùy biến ở bất kỳ góc nào. Trên quả trứng, có thể thấy mạch vàng lấp lánh chảy như dấu ấn vàng son của nghìn năm truyền thống.
Nghệ nhân Hải Gốm lại có những thiết kế liên quan đến rồng như thuyền rồng gốm, linh vật rồng gốm. Nghệ nhân cũng là NTK này vừa được Sở VH-TT Hà Nội vinh danh vì những đóng góp cho Tuần lễ thiết kế sáng tạo 2023. Những mẫu sản phẩm của Hải Gốm mang màu men truyền thống nhưng lại có tinh thần cởi mở. Với rồng, anh có những sáng tạo "phiêu" để linh vật này trở nên đậm màu dân gian hơn.
Trong khi đó, nhà hàng Bể Cá với định hình phong cách là các món của gia đình vẫn tiếp tục có các giỏ quà mứt tết, cỗ tết với các món truyền thống. Năm nay, chị Thu Hương, chủ nhà hàng, mở rộng sang cả những món cỗ miền Nam, miền Trung, song cỗ Hà Nội vẫn là mặt hàng chủ lực. Chị duy trì những giỏ quà tết được đóng gói trong các hộp mây tre nhuộm xanh đỏ hồng rực rỡ.
Mạch văn hóa không cạn
Chị Thu Hương cho biết, vài năm gần đây, việc thiết kế quà tặng được quan tâm hơn rất nhiều. Những giỏ quà tết do đó cũng có nhiều ý nghĩa văn hóa hơn. Các giỏ quà đựng thức ăn cũng được đóng gói kèm theo những tượng gốm sứ nhỏ, hay kèm theo các hộp đựng mây tre, thậm chí là sơn mài cầu kỳ. Mặc dù vậy, ngay cả với xu hướng quà tặng này cũng có những lưu ý riêng như giá thành và khả năng tái sử dụng những vật phẩm đóng hộp.
"Nếu một vài chiếc bánh chưng được đựng trong hộp gắn với những con rồng quá cầu kỳ, nó sẽ đội giá sản phẩm lên rất cao. Điều này các nhà sản xuất thường phải cân nhắc. Hoặc một chiếc hộp quá cầu kỳ cũng có thể lại khó hợp với không gian nội thất của người được tặng. Khi chọn cách đóng gói như hiện nay, tôi muốn sử dụng hộp mây tre vì sau đó chiếc hộp này có thể được tái sử dụng để đựng đồ dùng, giá thành cũng hợp lý", chị Thu Hương nói. Cũng với xu hướng này, một thương hiệu khác là Quay & nướng Kí lô lại đưa các túi đồ quay đã hút chân không vào một giỏ mây. Giỏ mây này sau đó sẽ được tiếp tục sử dụng như một túi xách thời trang.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT), cho biết năm nay sau giải thưởng Sách quốc gia, nhiều doanh nghiệp, cơ quan cũng liên hệ với ông để xin tư vấn về những cuốn sách đã được giải. "Họ muốn đưa những cuốn sách được giải vào trong giỏ quà tết. Đấy là một tín hiệu đáng mừng và chúng tôi cũng đã tư vấn ngay", ông Nguyễn Nguyên chia sẻ. Theo ông Nguyên, những tín hiệu như thế cho thấy cơ hội phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt, ông cũng cho biết các lãnh đạo ngày càng sử dụng sách để làm quà tặng nhiều hơn.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thời gian gần đây có thể thấy rõ xu hướng các món quà tặng, đặc biệt là trong các dịp lễ tết, đã trở nên phong phú, hấp dẫn, lịch sự, trang nhã hơn rất nhiều.
"Điều này cho thấy những người tặng quà muốn "gói văn hóa" vào quà tặng nhiều hơn. Nó cho thấy người dân ý thức hơn về việc chọn lựa kỹ lưỡng những món quà để thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với người nhận. Nó cũng cho thấy sự đa dạng về mặt sản phẩm quà tặng về phong cách, về xu hướng thân thiện cũng như sự cạnh tranh trong ngành kinh doanh quà tặng. Điều này chắc chắn thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm", PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.
Cũng theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, sự đa dạng trong lựa chọn quà tặng thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong ngành công nghiệp sản xuất quà tặng, tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự tôn trọng các vật phẩm văn hóa khi trao tặng sẽ giúp nâng cao ý thức về văn hóa, cũng như thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Bình luận (0)