Đĩa cơm tấm, tô hủ tiếu vỉa hè đã "cập nhật" giá xăng

02/03/2022 06:29 GMT+7

Xăng và gas, 2 mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong sản xuất và đời sống hằng ngày, đều đang ở mức giá kỷ lục khiến doanh nghiệp và người dân méo mặt với bài toán chi phí.

Hôm qua 1.3, giá xăng được điều chỉnh tăng gần 550 đồng/lít, lần tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu năm đến nay và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó 1 ngày, giá gas cũng tăng 3.500 đồng/kg. Nhiên liệu tăng, nguyên vật liệu tăng, cước phí tăng... và nói theo cách của rất nhiều người thì “tất cả mọi cái đều tăng, trừ thu nhập”.

Chủ xe khách “lòng như lửa đốt” vì giá xăng dầu tăng mãi không ngừng

Xăng dầu lại tăng giá lần thứ 5 liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay

NGỌC THẮNG

Mọi thứ đều tăng trừ thu nhập

Sáng 1.3, quán LaMia Café chuyên “trị” cà phê rang xay trên đường Thiên Phước (Q.11, TP.HCM) dựng tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Sau 3 năm cố gắng giữ giá bán không đổi, LaMia Café xin được điều chỉnh giá bán từ 1.3.2022”. Theo đó, cà phê đen đá từ 13.000 đồng tăng lên 15.000 đồng/ly, cà phê sữa từ 15.000 đồng tăng lên 18.000 đồng/ly. Đó là kích cỡ nhỏ, loại ly lớn tăng 5.000 đồng cho mỗi ly.

Doanh nghiệp đang rất chật vật với nhiều chi phí tăng

Gia Hân

Gọi là quán, nhưng khởi nghiệp của chủ LaMia Café chỉ là một xe đẩy đóng bằng gỗ mộc, bên trên có máy rang xay cà phê của 2 vợ chồng trẻ từ Gia Lai xuống TP.HCM lập nghiệp từ trước đại dịch Covid-19 bùng phát vài tháng. Quán bán vỉa hè, cách phục vụ vui vẻ, nhanh nhẹn, chuyên nghiệp của hai vợ chồng chủ quán khiến khách cảm tình, đông lên từ đó. Đưa ly cà phê sữa nhỏ với giá 18.000 đồng cho khách, thoáng ngại ngần, chủ quán giải thích: “Mặt bằng bên vỉa hè vợ chồng em thuê tăng tiếp rồi, nguồn cà phê lấy tăng 15.000 đồng/kg, rồi nhiều chi phí quá, tụi em gồng hết nổi, buộc lòng phải tăng giá bán. Mong chị thông cảm”.

Cách đó không xa, cuối đường Nguyễn Thị Nhỏ, quán cơm tấm Cây Bàng cũng “âm thầm” tăng giá bán từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/dĩa cơm tấm sườn từ mấy ngày trước. Bà Sáu, bán tiệm tạp hóa trên cùng tuyến đường này, cho hay tối hôm kia, mấy “sấp nhỏ” đòi ăn cơm tấm, ra mua về ăn mới biết giá tăng. 4 hộp cơm sườn bình dân trước 120.000 đồng, nay lên 155.000 đồng kèm chén cơm thêm. “Chủ quán nói gas tăng quá rồi, không tăng không có lãi”, bà Sáu kể.

Không chỉ các chi phí ăn uống, đi lại đang tăng, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, gia đình nào cũng nặng gánh chi phí y tế như tiền mua kit test, khẩu trang, nước rửa tay... Đang trong những ngày cuối cùng chữa trị Covid-19 tại nhà, chị Thùy Duyên (Q.8, TP.HCM) ngẩn ngơ khi nhận ra đã bước sang tháng 3 và từ đầu năm đến giờ vẫn chưa tích cóp được đồng tiền tiết kiệm nào.

Chị Duyên trở lại TP.HCM đi làm từ ngày 7.2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, than thở: “Tuần trước đang đi làm, tôi xét nghiệm ra dương tính, ghé tạm cửa hàng tiện lợi bên đường mua ít thực phẩm dự trữ, giá cả các mặt hàng lên kinh khủng. Từ bó rau cải đến giá kit test, thuốc xông, nước muối… đều tăng. Thường mua khoản ấy tầm 600.000 đồng, nay “bay vèo” hết 2 triệu đồng.

Chi phí và tiền đóng bảo hiểm trong một tháng lâu nay tầm 11 - 12 triệu đồng, giờ trội lên tới 14 - 15 triệu đồng rồi”, chị tính toán và bổ sung, việc đặt đồ ăn qua các ứng dụng như Beamin có thể áp dụng mã giảm giá cho cả đồ ăn và đồ uống từ trước tết, nay ứng dụng này đã cắt hết các chương trình khuyến mãi. Không áp dụng được mã giảm giá nào, giá thực phẩm vì thế cũng đôn cao hơn nhiều.

Doanh nghiệp “méo mặt” vì chi phí đội đỉnh

Chi phí tăng lên nhưng cơ hội kiếm tiền ngày càng eo hẹp. Ngoài công việc chính ở một công ty dịch vụ, chị Duyên tranh thủ buổi tối nhận làm nội dung quảng cáo cho trang web bán nước của một người quen, lấy giá rẻ 1 triệu đồng/tháng. Thế nhưng do dịch bệnh tăng cao, khách vắng, chủ quán không gồng nổi nên đã tạm đóng cửa, khoản thu nhập tăng thêm của chị Duyên cũng bị mất theo.

Tương tự, anh Tuấn, công nhân trong ngành xây dựng, kể mấy thợ xây như anh sáng thường uống cà phê 14.000 đồng/ly trước công trình trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), nay tăng 16.000 đồng/ly. Anh nói: “Vẫn còn rẻ hơn giá bán trong căn tin công ty đến 18.000 đồng/ly từ trước tết, nay chắc tăng lên 20.000 đồng rồi. Tụi em công nhân, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Trong khi công thợ vẫn 270.000 đồng/ngày. Khổ lắm!”.

Chi phí sinh hoạt của người dân tăng, với doanh nghiệp (DN) cũng không ngoại lệ. Rất nhiều DN khi trao đổi với chúng tôi đều trong tâm trạng lo lắng khi chi phí đội lên từ phòng chống dịch bị kéo dài từ tháng này sang tháng khác. Đại diện Công ty TNHH may mặc Đ&T (Q.8, TP.HCM) cho hay từ sau khi hoạt động trở lại, hằng tuần công ty phải mua test xét nghiệm cho gần 100 công nhân. Mỗi bộ xét nghiệm giá 96.000 đồng.

“Cho đến nay, sau 5 tháng mở cửa, công ty vẫn mua trữ hàng thùng que xét nghiệm phát cho công nhân nhỡ họ bị nhiễm Covid-19. Một số DN đến nay đã bỏ chi phí mua que xét nghiệm cho người làm, nhưng công ty chúng tôi không thể vì nếu không cấp test, họ đâu có tiền để mua mỗi que cả 100.000 đồng như vậy”, đại diện công ty nói và ước tính trung bình mỗi tháng riêng tiền mua xét nghiệm cho công nhân lên hàng chục triệu đồng. “Vấn đề là mình có thể hỗ trợ công nhân vài ba tháng, nay coi như chi phí tăng thêm của hằng năm luôn, quá nặng cho DN. “Méo mặt” luôn vì phải gồng mình cho nhiều chi phí đang tăng...”, vị này than trời.

“Tiết giảm được cái gì thì DN cũng đã giảm hết sức rồi. Từ sau giãn cách xã hội, quy mô 3 tại chỗ, số lượng nhân công, quản trị... hầu hết các DN đã phải “bóp mồm bóp miệng” tới mức tối đa, không phải chờ tới bây giờ mới nghĩ đến chuyện tiết kiệm”, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, giãi bày với Thanh Niên. Ông Luận cho biết: Giai đoạn dịch bệnh, mọi chi phí đầu vào và sản xuất của DN đã tăng mạnh, giờ thêm “đòn giáng” từ giá xăng dầu, đẩy mức tăng lên tới 30 - 40%. Không chỉ vận chuyển, giá nguyên vật liệu mà đến cả người lao động cũng đòi tăng lương. Chi phí sinh hoạt hằng ngày đội lên đang tạo áp lực rất lớn cho đời sống của người lao động.

Không co kéo, rất khó tồn tại

Chi phí tăng nhưng nhiều DN, quán hàng không thể tăng giá bán vì sức mua quá yếu. Các DN đang đau đầu với bài toán cầm cự. Theo ông Luận, việc chấp nhận đà tăng của các thực phẩm thiết yếu đã kéo giảm rất nhiều nhu cầu đối với các loại sản phẩm bổ sung như cà phê. Trước đây, có thể khách hàng uống cà phê hằng ngày, giờ có khi giảm xuống 1 tuần vài lần, thậm chí chỉ 1 lần/tuần. DN có tăng giá hàng hóa cũng không thể kích thích sức mua, thậm chí còn kéo giảm thêm doanh số bán hàng. Thị trường trong nước chật vật, hàng xuất khẩu cũng không khá khẩm hơn. Các đối tác nước ngoài đã chịu giá cước vận chuyển tăng rất mạnh trong thời gian qua, nguyên vật liệu cũng leo thang, cộng với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine ảnh hưởng về tỷ giá USD nên hàng xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn, không thể tăng giá được.

“DN vừa dịch xong đã khổ, giờ lại càng khổ hơn. Bị dập liên tục, sức cạn nên các gói hỗ trợ như giảm 2% thuế GTGT cũng không thấm tháp vào đâu. Đa phần DN chỉ còn biết tùy theo quy mô, kế hoạch kinh doanh để cầm cự theo dõi và phụ thuộc vào thị trường, không thể bung sức hay làm mạnh được”, ông Nguyễn Ngọc Luận thở dài.

Ông Toàn, chủ quán mì quảng trên đường CMT8 (Q.3, TP.HCM), cho hay các chi phí đầu vào của DN đã tăng 8 - 10% trong vòng hơn tháng qua. Tuy nhiên, giá bán của quán từ 2 năm nay không thể tăng được. “Thực tế sau dịch, mở cửa lại hồi tháng 10.2021, mọi chi phí đầu vào tăng dữ quá, tại thời điểm đó chúng tôi tính toán mức tăng tối thiểu cho một tô mì quảng phải là 5.000 đồng mới ổn được. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả xã hội đang lao đao vì bạo bệnh, làm sao tăng được?”, ông Toàn băn khoăn. Đến nay, giá đầu vào vẫn tiếp tục leo thang, chuỗi cửa hàng mì quảng của ông vẫn không dám tăng giá bán. Nhưng cầm cự được đến bao giờ thì không ai dám chắc khi chi phí đầu vào đã tăng quá mạnh.

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng tính toán để giảm chi phí, kiềm chế giá, giảm đà tăng giá bán ra lúc này là giải pháp tối ưu cho DN mà “nếu không co kéo, rất khó tồn tại”. Ông nhấn mạnh: “Nước nổi thì bèo nổi. Tôi vẫn giữ quan điểm trong giai đoạn này, DN nào giỏi tính toán và có chiến lược về giá tốt sẽ gặt hái thành công. Cứ theo đà giá cả tăng, nên tôi tăng theo mà không có giải pháp tinh gọn bộ máy, giảm chi phí tối ưu, vội tăng giá là cách khiến người tiêu dùng quay lưng với mình. Tôi hy vọng sau trận đại dịch, DN có những giải pháp khéo léo để kích cầu trong năm nay”.

Giá xăng dầu lại tăng, xăng RON95 vượt 26.800 đồng mỗi lít

Chiều qua (1.3), liên bộ Công thương - Tài chính có quyết định tiếp tục cho phép DN đầu mối tăng giá bán lẻ xăng dầu. Lý do là bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó (ngày 21.2) và kỳ điều hành hôm qua lại tăng mạnh.

Do đó, cơ quan quản lý yêu cầu không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa và giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazút ở mức 300 đồng/kg như kỳ điều hành ngày 21.2. Cùng với đó, cho phép chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 220 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazút không chi. Liên bộ cho phép DN đầu mối được tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu như sau: xăng E5RON92 tăng 545 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 26.077 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít, bán ra không cao hơn 26.834 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 509 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.310 đồng/lít; dầu hỏa tăng 469 đồng/lít, bán ra không cao hơn 19.978 đồng/lít; và dầu mazút 180CST 3.5S tăng 536 đồng/kg, bán ra không cao hơn 18.468 đồng/kg.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.