Theo Forbes, hiện đã có nhiều bài viết chia sẻ việc dòng sản phẩm Mate 30 thiếu quyền truy cập vào YouTube, Gmail và Google Maps, cũng như thiếu Play Store dù Huawei không trực tiếp đề cập tới chúng trên sân khấu. Nhưng may mắn, một số người đã tìm ra cách cài đặt dịch vụ và ứng dụng Google vào các bản thiết bị thử nghiệm rò rỉ trước ngày ra mắt và họ cho rằng việc cài đặt chúng khá đơn giản.
Hiện tại, đại diện của Huawei đã xác nhận câu chuyện không đơn giản như vậy và sẽ không có cách nào để cài đặt ứng dụng cũng như dịch vụ của Google vào thiết bị, trừ khi Google và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm. Đây được coi là một thông tin gây sốc cho những người nuôi hy vọng “lách luật” với loạt Mate 30 series của Huawei.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất là Google xác nhận rằng họ sẽ không cấp phép cho Mate 30 dưới mọi hình thức vì phải tuân theo các điều khoản hạn chế trong danh sách cấm vận của Mỹ. Trước đó, ông Richard Yu, phụ trách mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng của Huawei cho rằng bản chất của Android là nguồn mở nên họ sẽ hợp tác với các nhà phát triển bên thứ ba để giải quyết vấn đề, bởi bản thân Huawei không thể cung cấp dịch vụ của Google do lệnh cấm.
Trên sân khấu ra mắt, bài thuyết trình của Yu tập trung nhiều vào thông số kỹ thuật, hiệu suất, tốc độ 5G và tính năng camera mới cũng như màn hình tuyệt vời của Mate 30 Pro, đại diện Huawei đã lờ đi việc hệ điều hành EMUI10 trên Mate 30 series sẽ dựa trên AOSP thay vì chạy trên Android của Google. Thực tế phũ phàng, rốt cuộc Google vẫn phải tuân theo lệnh cấm và hy vọng cuối cùng của người dùng cũng gần như... đứt gánh.
Vì sao gần như không thể cài dịch vụ Google lên Mate 30 Series như các dòng nội địa trước đó?
Mate 30 sẽ không có giấy phép Android nên nó không được tích hợp Google Mobile Services (GMS) - một bộ khung (framework) cho phép cài đặt các ứng dụng chứng thực của Google. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ không thể tải APK hoặc các dịch vụ sau khi mua hàng trên kho ứng dụng, thậm chí việc thiếu GSM và thiếu giấy phép Android còn có nghĩa là các dịch vụ cơ bản liên quan đến Play Store sẽ bị ẩn đi trên thiết bị. Kể cả khi tìm cách qua mặt để cài đặt, thì các ứng dụng của Google sau khi cài vẫn không thể hoạt động và cũng không thể truy cập các quyền hệ thống tối thiểu để chạy. Để thay thế framework, người dùng phải có quyền truy cập cao nhất (root) vào hệ thống nhưng mặc định nó sẽ bị khóa vì lý do bảo mật thiết bị và của chính người dùng.
|
Chính Yu cũng xác nhận, Huawei không thể sử dụng nhân GSM trên Mate 30 series vì lệnh cấm, nên buộc Huawei phải sử dụng HMS Core để chạy App Gallery trên Mate 30 Series. Theo các lập trình viên trên XDA Developers giải thích, một số nhà sản xuất thiết bị có thể cài sẵn các ứng dụng cần thiết, các phiên bản APK “tối thiểu” này về cơ bản không hoạt động được và chờ cập nhật mới có thể hoạt động, điều này diễn ra ở các phiên bản “nội địa” bán ra tại thị trường Trung Quốc, lúc đó người dùng chỉ cần tải APK của Google Play về cài đặt là xong.
Nhưng đó là khi mới chỉ bị phía chính phủ Trung Quốc chặn (dịch vụ của Google), còn khi sự ngăn cản này đến từ chính Google thì đó lại là câu chuyện khác. Bởi trước đó, Google không hề tìm cách chặn các điện thoại “nội địa” ở Trung Quốc cài Google Play và các ứng dụng của chúng, nhưng câu chuyện với Mate 30 Series lại khác, nói cách khác việc cài đặt dịch vụ của Google vào thiết bị (Mate 30 Series bản thương mại) sẽ không còn giống như cài ở máy nội địa như trước, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Theo các nhà phát triển trên diễn đàn XDA Developers, có cách để cài và cấp quyền thủ công cho các ứng dụng của Google như Play Store, nhưng đòi hỏi phải root (bẻ khóa) thiết bị và đây không phải là một tùy chọn hào hứng với người dùng phổ thông. Ngay cả khi root, bạn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro bảo mật do mất quyền bảo vệ cao nhất của thiết bị. Bên cạnh đó, việc khởi chạy các ứng dụng Google “lậu” như vậy có khả năng không suôn sẻ, dù Google có thể âm thầm hỗ trợ Huawei do mối quan hệ giữa họ vẫn còn khăng khít.
Bình luận (0)