Số thu từ các "ông lớn" tăng...
Theo Tổng cục Thuế, tính lũy kế từ khi Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành vào tháng 3.2022 đến cuối tháng 7.2023, các đơn vị như Google, Facebook, TikTok… đã nộp gần 9.300 tỉ đồng tiền thuế. Đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông - Trung Quốc, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Úc, Anh… đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử. Trong đó có nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới nộp thuế như Meta, Google, Apple, TikTok, Samsung…
Như vậy, so với dữ liệu hồi tháng 5, số lượng nhà cung cấp nước ngoài đã tăng thêm 10 đơn vị, số thuế tăng thêm khoảng 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, đối với cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử (TMĐT) trong nước đã có 347 sàn TMĐT gửi dữ liệu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, tăng 43 sàn so với cuối tháng 4.
Riêng tại TP.HCM, nơi có hoạt động kinh doanh số cao, cơ quan thuế cũng đã gia tăng số thu thuế liên quan đến hoạt động TMĐT. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số tiền thuế truy thu, phạt đối với 4.464 hộ, cá nhân có hoạt động bán hàng qua sàn TMĐT trên địa bàn TP lên đến 85 tỉ đồng. Đến nay, đã có 1.802 cá nhân kinh doanh lên làm việc theo thông báo của cơ quan thuế (tổng số phải rà soát là 115.239 cá nhân kinh doanh). Các cá nhân kinh doanh này đã thực hiện kê khai thuế và cơ quan thuế đã thực hiện truy thu, phạt lũy kế là 39 tỉ đồng.
Đối với tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số), Cục Thuế TP.HCM cũng đã tiến hành truy thu thuế, phạt hơn 22,4 tỉ đồng. Đây là kết quả truy thu nguồn thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, Netflix… theo danh sách các ngân hàng thương mại cung cấp. Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế trên địa bàn, Cục Thuế đã truy thu và phạt 42,33 tỉ đồng đối với 2 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.
...Nhưng chưa thấm tháp
Dù số thu thuế về TMĐT năm nay đã tăng hơn với những năm trước nhưng cơ quan thuế cũng có những đánh giá chưa hiệu quả do thiếu thông tin cần thiết của người nộp thuế; số lượng ngân hàng phản hồi, cung cấp thông tin còn thấp; các chủ sàn TMĐT cung cấp chưa đầy đủ thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh; một số sàn TMĐT không mở công ty tại VN… Đối với các DN kinh doanh TMĐT có thuê đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận thu hộ tiền bán hàng (COD) trên thực tế vẫn rất khó xác định chính xác tên tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT để quản lý thuế. Ngoài ra, hộ kinh doanh, cá nhân hiện nay đẩy mạnh kinh doanh qua các trang mạng xã hội nên khó kiểm soát doanh thu.
Theo Bộ Công thương, kết quả điều tra, khảo sát, doanh thu TMĐT bán lẻ tại VN ước tính cả năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người đạt gần 270 USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ ở VN ước đạt 10,3 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng doanh thu TMĐT hằng năm lên vài chục tỉ USD nhưng số thu thuế chưa được tương xứng, chỉ chiếm vài phần trăm. Tuy nhiên phải ghi nhận sự nỗ lực từ cơ quan thuế trong thời gian qua đối với hình thức kinh doanh mới này. Trong giai đoạn này, các DN nước ngoài mới ở giai đoạn tự kê khai, tự nộp qua cổng thông tin, cơ quan thuế nên có những biện pháp thu để kiểm tra một cách đầy đủ. Bởi trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh "lách" bằng cách bán hàng qua mạng xã hội không phải hiếm. Người bán hàng không cần địa chỉ kinh doanh, có thể ở bất cứ đâu để livestream và thực hiện giao dịch sẽ gây thất thu thuế. Do hoạt động kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội nói riêng, TMĐT nói chung không thể thống kê được đầy đủ doanh thu nên rất khó có thể nói chính xác thất thu thuế bao nhiêu.
Tổng cục Thuế cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước; khẩn trương ban hành Quy trình khai thác thông tin trên Cổng thông tin TMĐT để vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT trong nước, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Riêng tại TP.HCM, Cục Thuế TP cho biết những tháng cuối năm 2023 sẽ thực hiện khai thác dữ liệu từ Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế để lấy dữ liệu các sàn cung cấp về tổ chức và các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thuộc địa bàn TP.HCM để thực hiện rà soát, tăng cường quản lý thuế TMĐT.
Ngoài ra, cơ quan thuế phân tích và khai thác dữ liệu đối với danh sách cung cấp thông tin của các ngân hàng thương mại về tổ chức, cá nhân cư trú trong nước cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số) có phát sinh thu nhập từ Google, Apple, YouTube, Facebook, Netflix...
Để chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT, nền kinh tế phải thanh toán không dùng tiền mặt, mọi giao dịch lưu lại vết thì mới thu được. Ngoài ra, cơ quan thuế cần có sự đầu tư về công nghệ, phần mềm để có thể rà soát, tìm kiếm những giao dịch lớn qua công nghệ thay vì làm thủ công như hiện nay, truy soát từng giao dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội
Bình luận (0)