Theo Reuters, đại diện Google đã có mặt hôm đầu tiên trong phiên điều trần kéo dài 5 ngày của tòa án châu Âu, bắt đầu từ ngày 27.9. Ủy ban châu Âu (EC) phạt Google 5,15 tỉ USD từ năm 2018 vì hành vi độc quyền hệ điều hành Android trên smartphone. Không chấp nhận khoản phạt này, Google đã tìm cách kháng cáo trước hội đồng thẩm phán.
Phía Google khẳng định Android không chèn ép đối thủ hay người dùng mà là một ví dụ cho sự cạnh tranh thành công, lành mạnh.
Luật sư Meredith Pitckford của Google nhấn mạnh: "Ủy ban không nhìn thấy động lực cạnh tranh thực sự trong ngành, giữa Apple và Android. Bằng cách định nghĩa thị trường quá hẹp, hạ thấp những ràng buộc mạnh mẽ mà Apple áp đặt, Ủy ban đã nhầm lẫn khi tố Apple đang thống trị hệ điều hành di động và cửa hàng ứng dụng".
Tuy nhiên, luật sư Nicholas Khan của EC lập tức bác bỏ vai trò của Apple trong câu chuyện này, bởi Apple chỉ chiếm thị phần nhỏ so với Android, chưa kể, Google và Apple theo đuổi các mô hình khác nhau.
Khan đưa ra bằng chứng là các thỏa thuận của Google ép buộc nhà sản xuất điện thoại Android phải cài Google Search, trình duyệt Chrome và Google Play vào thiết bị của họ. Android là hệ điều hành xuất hiện trên 80% smartphone toàn cầu.
Nhà sản xuất điện thoại Đức Gigaset Communications GmbH lại lên tiếng ủng hộ Google. Công ty này khẳng định thành công của mình ở châu Âu là nhờ vào sự cởi mở trên nền tảng Android, vậy nên việc Google bị EC phạt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hãng điện thoại Đức.
Trong khi đó, nhóm vận động hành lang FairSearch vẫn đang chống Google, tố "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ dùng chiến lược mồi chài các nhà sản xuất thiết bị. Ban đầu, họ lôi kéo đối tác dùng hệ điều hành miễn phí với mã nguồn mở của mình, rồi âm thầm đưa ra một loạt hạn chế trong hệ điều hành để ngăn cản sự cạnh tranh.
Bình luận (0)