Google vinh danh hoa sĩ Bùi Xuân Phái: Vì sao nhiều người ngại mua tranh phố Phái?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/09/2019 13:05 GMT+7

Họa sĩ Bùi Xuân Phái được Google vinh danh vì tài năng. Còn trên thị trường, ông cũng là tác giả bị làm giả tranh khá nhiều.

Từ 0 giờ ngày 1.9, Google đã đặt biểu tượng họa sĩ Bùi Xuân Phái và tranh phố Phái trên trang chủ tìm kiếm bằng tiếng Việt.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây, các giao dịch tranh phố Phái không hề “nóng”. Thậm chí, nhà nghiên cứu Phạm Long xác nhận người mua đang ngại mua tranh phố Phái. “Người ta đang ngại mua tranh phố Phái. Thậm chí từ thời bao cấp cũng đã có người ngại mua, vì lo ngại không biết thật giả”, ông Phạm Long chia sẻ.

Tuy nhiên, không chỉ tranh phố Phái bị nghi ngại, theo ông Long, rất nhiều mảng đề tài của ông Phái đã có nghi án tranh giả. Bản thân con trai ông Phái - họa sĩ Bùi Thanh Phương, cũng từng phải lên tiếng về điều này.

“Bất cứ cái gì họ làm giả được là làm giả. Thậm chí bây giờ không xuất hiện tranh phố Phái nhiều nữa, vì tranh Phố dễ bị nghi ngờ”, ông Long nói.

Ông Long cũng cho rằng, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ bị làm tranh giả nhiều nhất Việt Nam.

Bức tranh Phố cũ bị nghi là giả tranh Bùi Xuân Phái

Ảnh tư liệu

Năm 2017, nhà đấu giá Chọn đã tổ chức đấu giá 7 bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên, chỉ có 1 bức được giao dịch, 6 bức còn lại còn không có người trả giá. Mức giá khởi điểm của các bức tranh này không cao, chỉ khoảng 8.000 USD. Bản thân nhà đấu giá Chọn khi đó cũng cho rằng, một họa sĩ Việt Nam vẽ đề tài dung dị mà đẹp như Bùi Xuân Phái thì chắc chắn sẽ có nhiều tranh giả. Tuy nhiên, nhà Chọn đã làm hết sức để minh bạch thông tin về nhà sưu tập.

Bức tranh Phố cổ Hà Nội bị nghi là giả tranh Bùi Xuân Phái

Ảnh tư liệu

Cũng trong năm 2017, tác phẩm Phố cũ được Chọn đưa ra cũng bị nghi là tranh giả. Bức tranh được cho là của ông Phái, chất liệu sơn dầu. Tranh được sư thầy Thích Minh Định đưa tới đấu giá. Nhà tu hành cho biết một người là “cô Như” đã tặng ông tác phẩm này nhiều năm trước.

Tuy nhiên, trước đó, 2 nhà đấu giá quốc tế từng đấu tác phẩm giống tới 99% bức tranh này. Một bức được nhà Sotheby’s Singapore đấu giá thành công năm 2006. Một bức được nhà Christie’s Hong Kong đấu thành công vào 2014.

Chân dung Bùi Xuân Phái thập niên 1980

Ảnh John Ramsden - nguyên Tùy viên văn hoá Đại sứ quán Anh quốc tại Hà Nội

Năm 2016, một cuộc đấu giá từ thiện tại TP.HCM cũng dậy lên nghi án tranh giả. Bức tranh có tên Phố cổ Hà Nội, được đấu giá thành công ở mức 2,3 tỉ đồng. Mặc dù vậy, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho hay, cha ông chưa từng vẽ bức tranh nào như thế. Ông Phương cũng cho rằng, đó một bức được người khác vẽ giả tranh của cha ông.

Năm 2008, Sotheby's Hong Kong đưa thông tin lên trang web về việc bán 5 bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã gửi thư cảnh báo cho Sotheby's. Ông cho rằng cả 2 bức phố cổ, và 2 bức vẽ chèo trong nhóm 5 tranh này, là giả. Sotheby’s sau đó vẫn tiến hành đấu giá và 3 bức tranh trong số đó đã được bán.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái là người Hà Tây cũ. Ông học trường Mỹ thuật Đông Dương và sống nhiều năm ở phố cổ Hà Nội. Chính vì thế, tranh phố Phái gần như là một biểu tượng vẻ đẹp Hà Nội.

Ông Phái từng viết trong nhật ký về nỗi lòng mình với phố. “Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người. Có những cái đẹp mới và lại có cả những cái đẹp cũ, thí dụ những căn nhà cổ Việt Nam. Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp. Nhịp điệu của nó không đều đều như những căn nhà cao tầng, nhà lắp ghép”, ông Phái viết.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng cho rằng, bản thân phố Hà Nội đã mang vẻ đẹp hội họa tự nhiên. Ông viết: “Chúng ta thấy có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái lùi vào, cái nhô ra. Người vẽ về mặt tạo hình và bố cục có rất nhiều thuận lợi. Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian. Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.