Tiểu thuyết của Lê Thị Diễm Thúy - Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm - không chỉ là câu chuyện của một gia đình tị nạn mà còn về Việt Nam và nước Mỹ, về niềm khao khát của tuổi trẻ và sự cam chịu của người lớn, về sự mất mát không thể tưởng tượng được và sự gột rửa ký ức bất thành.
Lát cắt chiến tranh khắc sâu trong tâm trí nhiều người Việt tha hương
Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm (tựa Anh The Gangster We Are All Looking For, bản dịch của Tùng Lam) đặt người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, không tên họ, sinh ra ở Việt Nam, theo gia đình vượt đại dương và sinh sống ở Linda Vista, một khu vực thuộc San Diego, bang California.
Cha cô tìm được công việc tay chân từ thợ sơn nhà, thợ hàn và cuối cùng là người làm vườn. Phải hai năm sau, mẹ cô mới đoàn tụ và sau đó là cuộc hôn nhân đầy sóng gió của hai người nơi xứ lạ.
Người cha luôn ám ảnh nhân vật chính từ khi cô còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Ông là cựu quân nhân trong quân đội Nam Việt Nam. Khi sang Mỹ, ông biến thành một kẻ nát rượu cuồng nộ, nhưng cũng bất chợt rơi nước mắt và im lặng kéo dài.
Một câu chuyện quen thuộc về sự ngược đãi, bi kịch và quyết tâm thay đổi cuộc đời tạo thành bộ khung của cuốn tiểu thuyết với cách kể bộc lộ một cảm giác đặc biệt, đậm chất thơ, gần như thanh tao.
"Ở trường, tôi là học sinh Việt Nam duy nhất. Ngày đầu tiên đến lớp, cô giáo giới thiệu tôi với các bạn học bằng cách một tay cầm quả địa cầu, tay kia xoay tròn nó rồi cô chỉ tay vào một dải đất cong hình chữ S nằm gần một vùng nước. Tôi đã đến từ nơi đó ư?" (trang 25).
Dày đặc sự ẩn dụ, so sánh nhưng giọng văn của Lê Thị Diễm Thúy vẫn đơn giản và gọn gàng, có thể khiến người đọc hình dung mọi thứ. Con mắt tinh tường của nữ văn sĩ về những chi tiết nhỏ, trần tục của cuộc sống hằng ngày khi dẫn dắt câu chuyện làm nhiều người đọc chợt nhớ đến những năm tháng xa xưa. "Hồi chúng tôi mới đến nước Mỹ, Má thường để dành tiền gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Bà cuộn các tờ tiền trong những lá thiếc hình vuông và giấu chúng trong tuýp kem đánh răng. Ngoài tiền, bà còn gửi về cơ man nào là xà phòng, thuốc đau đầu, ống xịt hen suyễn, những súc vải, dầu gội đầu và dầu xả. Bà giải thích với tôi rằng cuộc sống 'ở đó' đang khó khăn nên các dì có thể bán những món này để kiếm thêm chút tiền" (trang 161).
Chính việc nhập cư vào Mỹ đã lấy đi góc nhìn của nhân vật về quê hương, che đậy quá khứ, cắt đứt mối liên hệ của cô với gia đình, ngôi làng ven biển.
Chiến tranh hiện hữu như thứ người mẹ từng nói với con gái: "Khi tôi ra đời, Má khóc khi biết chiến tranh là thứ tôi đang hít thở và bà không bao giờ có thể giữ nó khỏi người tôi. Bà nói nếu có thể bà đã ném tôi vào tường, cho đến khi tôi khạc ra cuộc chiến đang giết sạch tất cả chúng tôi. Nếu có thể bà đã giẫm đạp nó trong bóng tối, và nhảy nhót trên xác nó… Nếu có thể bà đã nghiền nó thành cám và phỉ nhổ nó cho hả". Cuốn tiểu thuyết này nhắc nhở chúng ta: "Chiến tranh không có khởi đầu cũng chẳng có kết thúc. Nó băng qua các đại dương như một con tàu rách nát, chất đầy những thân người đang cùng hòa một khúc nhạc u sầu" (trang 95).
Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm được kể thành năm câu chuyện lồng vào nhau: Xì-tốp, Lòng bàn tay và cây cọ, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, Những dẽ xương chim, Nước mà ở đó ký ức về Việt Nam đan xen với những biến động tại Mỹ, quá khứ và hiện tại hòa quyện theo dòng chảy của thời gian.
Cuốn tiểu thuyết của Lê Thị Diễm Thúy gợi lại rõ nét nỗi buồn và sự mong ước thông qua cách ẩn dụ để tô lên từng thân phận sau cuộc chiến mà rốt cuộc là chẳng có bên ấy - bên này, chúng ta - bọn họ mà chung quy lại chỉ là những con người đang nỗ lực sống cuộc đời mình.
Lê Thị Diễm Thúy là nhà thơ, nhà văn kiêm diễn viên kịch, sinh năm 1972 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Năm 1978, cô theo cha đến định cư tại San Diego, California, Mỹ. Năm 1990, Thúy học trường Hampshire College ở Massachusetts, chuyên ngành nghiên cứu văn hóa và văn chương hậu thuộc địa. Năm 1993, cô sang Paris để khảo cứu các thư tịch tàng trữ ở Pháp về Việt Nam. Cùng thời gian này, Lê Thị Diễm Thúy bắt đầu sự nghiệp sáng tác.
Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm xuất bản lần đầu năm 2001, là tiểu thuyết đầu tay của Lê Thị Diễm Thúy. Ngay khi vừa ra mắt độc giả cuốn sách đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như Guggenheim Fellowship (2004), USA Fellowship (2008).
Báo The New York Times khen ngợi Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm: "Một sự gợi nhắc tuyệt vời về nỗi buồn và khát vọng của những phận người… Nhói lòng và xúc động… Sâu sắc như một câu chuyện cổ, trầm ẩn như một áng thơ xưa".
Tạp chí phê bình sách của Mỹ Kirkus Reviews nhận định: "Một câu chuyện chi tiết và cảm động về một gia đình người Việt ở đất Mỹ được thể hiện đầy tinh tế qua lớp vỏ ngôn từ huyền ảo như kính vạn hoa của tác phẩm trong trẻo đầu tay này… Một tác phẩm tuyệt đẹp - một màn ra mắt hoàn hảo".
Bình luận (0)