Mật ngọt đời sống trong 'Những ngày vàng'

Tuấn Duy
Tuấn Duy
31/07/2023 14:15 GMT+7

Như một flâneur (người rong chơi) chậm rãi bước giữa thôn quê xứ Hungary trong lớp bụi vàng, Hamvas Béla gợi nên những suy tư riêng khi đặt con người giữa vũ trụ lớn.

Những ngày vàng là tập tiểu luận được chọn từ những tác phẩm nổi tiếng trước đó như Đảo nguyệt quế, Patmosz, tiểu thuyết Karnevál… xoay quanh các chủ đề như bản ngã, tình yêu, chính trị, quyền lực và tôn giáo. Tuy là cái tên còn khá xa lạ với độc giả phương Tây, thế nhưng Hamvas Béla là một triết gia với những tư tưởng vô cùng độc đáo. Thế giới triết học của ông mang đầy vẻ đẹp đến từ thiên nhiên, và nó sẽ như mạch nguồn để tuôn trào ra những cái nhìn lạ.

Mật ngọt đời sống trong 'Những ngày vàng' - Ảnh 1.

Béla thường viết theo dòng suy tưởng, thường theo motif được khơi nguồn từ nghệ thuật, thiên nhiên, sau đó sẽ là một loạt suy ngẫm cứ thế nối nhau cho đến vô tận...

NXB Tri thức

Cảm hứng thiên nhiên

Đọc từng từ ngữ của vị triết gia, độc giả không thể không nhớ đến vị tác giả gốc Hung cũng nổi tiếng khác là Marai Sándor trong các cuốn sách như Lời cỏ cây, Bốn mùa trời và đất… Trong các tiểu luận Những ngày vàng, Bản kế hoạch mùa đông, Bữa ăn nhẹ của Thượng đế an lành… không gì thu hút bằng những phong cảnh Béla viết ra. Đó là khu vườn tắm mình trong hương vị chín nẫu no mắt, với "buổi sáng là mùa xuân, buổi trưa là mùa hè và buổi tối là mùa thu"…

Đó cũng là những thanh âm của sơn tước ca hát, của chiền chiện rừng hót từ phía thung lũng, trong khi thời tiết thanh bình và dịu dàng "như ký ức đầy hình ảnh của một nhà thông thái tan vào nỗi buồn ngọt ngào". Thế nhưng như dịch giả Nguyễn Hồng Nhung so sánh, nếu như cái đẹp của Sándor tương tự Béla trong ngôn từ và miêu tả đầy sức gợi, thì Béla còn "siêu vượt" hơn, khi đã ra khỏi "lồng kính thiên nhiên" để thấy những thứ cao hơn và siêu hình hơn.

Từ cuộc đi bộ đường dài, ông thấy đời sống cộng đồng quả là tẻ nhạt, và so nó với "kịch trường rỗng tuếch, một thú giải trí gượng gạo không thể chịu đựng nổi. Chúng mới đơn điệu và không hề có nội dung so với một đời sống cô đơn giàu có". Suốt cuộc đời mình ông đã chọn lấy cô đơn, nhưng đó là cái cô độc ấm áp, khi lấy tưởng tượng là niềm đam mê không bao giờ tắt.

Béla thường viết theo dòng suy tưởng, thường theo motif được khơi nguồn từ nghệ thuật, thiên nhiên, sau đó sẽ là một loạt suy ngẫm cứ thế nối nhau cho đến vô tận. Chúng dính vào nhau, đi theo nhiều ngã, chẳng hạn chỉ cần xem xét một cái cây thôi, ông cũng nhìn thấy được mối tương quan giữa cho và nhận, về tình yêu, hôn nhân và liệu con người có thể hòa hợp giữa hai giới tính như cặp vợ chồng đan hòa vào nhau?

Khác với những triết gia khác thường có lối tư duy phức tạp, mang tính lý thuyết đôi khi trừu tượng theo hướng siêu hình, những điều mà Béla nói luôn luôn sống động và bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân, vì thế nghe rất gần gũi cũng như thân thuộc. Sau khi nghiệm ra bản chất của cuộc đời này, ông như chấp nhận chính "kiếp người" ấy, từ đó một lòng muốn hưởng thụ nó. Do đó trong những bài như Bữa ăn nhẹ của Thượng đế an lành không nói gì hơn về việc ăn món dâu trộn sữa chua sao cho đúng cách, thế nhưng qua đó ta cũng thấy được một sự tận hưởng của ông, một kiểu "bon appétit" cần phải hài hòa.

Con người bé nhỏ

Đặt con người như một sinh linh nhỏ bé giữa vũ trụ lớn lao, Béla cho thấy cái tôi ích kỷ có phần nhỏ nhen và đầy xấu xí chi phối chính họ. Không hẳn vô ý mà Béla lấy tên triết gia Đan Mạch Søren Kierkegaard để đặt nhan đề cho bài tiểu luận. Trong chuyến du hành mang tính "hư cấu" của Kierkegaard đến Sicilia, ông đã xoáy sâu vào một chủ điểm rất thường xuất hiện trong các tác phẩm của vị triết gia ảnh hưởng đến mình, đó là tình cảm cũng như cảm xúc của mỗi cá nhân khi phải đối diện với những chọn lựa trong cuộc sống này.

Mật ngọt đời sống trong 'Những ngày vàng' - Ảnh 2.

Triết gia người Hungary Hamvas Béla

Nguồn: Szentendrei Kulturális Központ

Béla khẳng định: "Sự sống người không tạo thành từ các hiện tượng mà từ các quyết định. Điều duy nhất quan trọng là cái bên trong, mà sinh linh người sống trực tiếp trong đó. Trọng tâm của hiện sinh không phải là hiện tượng mà là sự quyết định". Vì vậy khi nào con người chưa thôi được những ích kỷ ẩn dưới cái tôi – những nỗi hoài nghi và sự tham tàn mang tính quyền lực, thì họ còn chưa sống một đời nhân danh thế giới.

Con người cần sống cô độc nhưng không vô cảm. Cô độc trong con người họ nhưng hòa làm một với thế gian này. Họ phải là những tảng đá Stonehenge nặng hàng ngàn tấn bỗng dưng biết "bay" và biết "nhảy múa" như có linh hồn, khi nó trở thành "cánh cổng" mở ra đức tin ở một di tích giờ đã hoang tàn. So sánh cho thấy liên tưởng thơ mộng của riêng Béla, khi chúng rất đẹp và rất cuốn hút.

Xét cho đến cuối, con người bất toàn và đầy mong manh. Họ không giống cây để biết hiện sinh của cây, mà chỉ biết mình không thể hòa hợp được cùng với ai, ngoại trừ nửa kia còn lại – cái tôi sót lại bên trong chính mình. Do đó đọc Những ngày vàng của Hamvas Béla chính là quá trình "khoan sâu xuống đất", nhìn nhận lại ta, để sống thật khiêm nhường nhưng vẫn tỉnh táo khi biết hóa ra mình thật nhỏ bé.

Trải qua nhiều biến động thời cuộc và những bi đát cuộc đời, 3 lần tham chiến và có đôi khi bị đày đến những vùng đất khiến ông sống cảnh biệt lập như trên hòn đảo, thế nhưng Béla đã biến bất lợi trở thành cơ hội, từ đó đưa ra những suy ngẫm riêng vô cùng lãng mạn. Ông xem thường danh tiếng, sự thành công, sự nổi tiếng và cả vinh quang vì bản thân chúng không có ý nghĩa. Ông cũng tự hỏi "Tôi làm gì với danh vọng trong sự cô đơn trên rừng của tôi?". Vì vậy đọc cuốn sách này ta như đào sâu vào trong chính mình, và thấy bản thân như một đối tượng đang bị mổ xẻ.

Như Béla viết "Các thực thể: hoa, cây, các ngôi sao, chim muông chỉ biết đến sự nổi tiếng trước Thượng đế; độc nhất có con người thỏa mãn với điều ít ỏi hơn: nổi tiếng trước nhân loại". Những ngày vàng là các tiểu luận chắt lọc của bản thân ông, trong sự nên thơ của từ ngữ và các suy ngẫm mang tính khai phóng, sẽ đưa người đọc vào một hành trình như ngọn lửa lan, để ta biết rằng vô số tổ hợp còn chờ đợi mình, và qua những cung đường ấy "chính con người cháy rụi, còn thế gian tiếp tục nở hoa".

Hamvas Béla (1897 – 1968) sinh tại Eperjes (nay thuộc Slovakia) trong một gia đình linh mục Thiên Chúa giáo. Vì những bất đồng với các tư tưởng đương thời mà nhiều tác phẩm của ông không được ra đời. Đến tận những năm 1970 chúng chủ yếu vẫn được lưu truyền dưới dạng bản thảo. Một thập kỷ sau chúng mới dần được đưa ra trước công chúng. Các tác phẩm của ông đã được chuyển ngữ gồm có Câu chuyện vô hình và Đảo, Minh triết thiêng liêng, Độc giác… Ông nhận được nhiều giải thưởng như Kossuth (1990), Di sản Hungary (1996) và Vì nghệ thuật (2001). Ngày nay Hamvas Béla được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học xuất sắc nhất trong nền văn hóa Hungary.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.