Những va đập văn hóa phố - làng trong tác phẩm mới của nhà văn Trần Chiến

Tuấn Duy
Tuấn Duy
12/07/2023 17:15 GMT+7

Là một tác giả gắn chặt với phố phường Hà Nội, thế nhưng qua tập truyện ngắn Tỏ giăng tỏ đèn mới được phát hành, nhà văn Trần Chiến đã nghiêng mình xuống làng quê và mối rằng rịt với nơi đô hội.

Phố - làng rằng rịt

Gồm 16 truyện ngắn đa dạng đề tài ở nhiều thể loại mà nhà văn Trần Chiến đã từng thử sức, tác phẩm lần này không chỉ là việc phá vỡ “lớp vỏ” hồn phố đã từng tạo nên danh tiếng cho ông, mà mặt nào đó cũng cho thấy được những mảng đề tài có phần phong phú riêng của nhà văn.

Những va đập văn hóa phố - làng trong tác phẩm mới của nhà văn Trần Chiến
 - Ảnh 1.

Tập truyện Tỏ giăng tỏ đèn của nhà văn Trần Chiến

NXB

Bằng chuyện đời thường mà ta dễ thấy ở mọi vùng quê, nhất là nông thôn miền Bắc, tác giả của cuốn tiểu thuyết Bốn chín chưa qua đã đưa ta vào một thế dằng dai giữa nhiều đối nghịch, là sự kình chống truyền thống – hiện đại, hội nhập – cố hữu… trong cách phản ánh xã hội đau đáu và đậm dấu ấn riêng.

Như đã nói trên, con đường từ làng ra phố (hay từ phố về làng) của riêng Trần Chiến trong các truyện ngắn đi theo motif độc đáo. Ở đó mỗi một nơi chốn đều có hai nửa – một yêu thương, che chở, và một quay quắt, cô độc. Ông không gán cho bất kỳ nơi nào tính chất cố định, từ đó cho thấy được sự quan sát mang tính đa chiều của bản thân ông.

Trong hầu hết các mô tả về miền thôn quê, ta thấy có một mẫu chung được ông sử dụng, đó là theo hướng các gia tộc cũng như huyết thống. Ở đây không có những sự bảo vệ, bao bọc lẫn nhau, mà các nhân vật thường khoác lên mình “chiếc áo” trách nhiệm với mặc cảm con thêm, con rớt, với việc bắt nguồn từ các chi nhỏ trong cây gia phả… Từ đó khiến cho con người ngày càng thấy mình nặng thêm áp lực.

Cũng chính căn bệnh thành tích trong gia tộc, muốn đi tắt đón đầu mà một hiện trạng của xã hội hiện nay cũng đã hiện lên, đó là hiện thực quan liêu cũng như “quà mọn”, “phong bì” cho việc phổ cập thạc sĩ, cũng như đi tìm một mục đích khác trong việc thăng chức, có được công danh, sự nghiệp… thay vì đơn giản đi học chỉ vì muốn học.

Trần Chiến cho ta thấy nhiều cung bậc cảm xúc, có khi nhũn nhặn “chỉ đâu đánh đấy”, “không sai bảo thời chẳng vẫy tay”, nhưng cũng có khi ông đầy châm biếm với các kết cục không thể ngờ đến, trong các truyện như Đạn lạc hay Biến đổi khí hậu. Dẫu vậy ông cũng mang theo giá trị nhân văn nghiêng xuống dòng đời, khi ẩn trong các nhân vật cũng là tình thế khó xử, lưỡng nan đứng giữa hai bờ lựa chọn.

Như vậy “từ làng ra phố” là một xu hướng của hiện thực hóa, của thời sự hóa và cũng là của việc “hội nhập chung”. Thế nhưng từ phố về làng, tác giả lại cho thấy một góc khác hơn, đậm tính người hơn và êm dịu hơn, khi xét cho cùng, thôn quê là cái nôi và cũng là một bàn tay che chở, an ủi con người khỏi bể trầm luân.

Trong những truyện như Đèo dốc quanh co, Con chú con bác…, thiên nhiên, phong cảnh thôn quê ẩn hiện trong những linh tính cũng như cảm xúc vô cùng riêng biệt. Đó là núi non với những khúc hát của dế, của chim, của lau sậy um tùm, để chính ở đó ta biết người nào ngay thẳng và người nào không.

Chiếc thuyền chuyên chở kỷ niệm về những ngày cũ với bãi rơm, những người phụ nữ có chồng ra chiến trường xa và những phức cảm có phần ấn tượng, dẫu bao nhiêu năm cũng sẽ về lại bên trong tâm trí của những con người hòa tiếng lòng mình vào cùng với làng, từ đó họ thấy một niềm an ủi giữa cảnh ô trọc.

Từ làng về phố cũng là bỏ đi đô thị xô bồ với những định kiến, chia chác, mỏi mệt của việc phải làm hài lòng người khác, không được là mình. Nhưng khi đã ở đó rồi, thì cũng là những xung đột về ý thức hệ, khi “thị dân non” - những người trẻ tuổi muốn thoát khỏi giá trị cũ, lại bị thách thức bởi một truyền thống khó bề thay đổi ngày một ngày hai.

Thế nhưng những việc làm ấy không dễ thực hiện, và sẽ còn lại những sự xa cách, những nỗi đau khó thốt nên lời. Dù là từ đâu đến đâu, nhà văn Trần Chiến cũng cho ta thấy được một hiện thực có phần khó khăn, về nỗi đau đớn khi phải làm người mà đi cùng nó là việc thích nghi và không còn được là mình.

Phong cách độc nhất

Viết một đề tài tưởng quá quen thuộc trong văn chương Việt Nam, thế nhưng Trần Chiến biết cách để tạo cho mình một dấu ấn riêng và không dễ lẫn. Văn chương của ông có sự gồ ghề, thô ráp như của những người dân thôn quê. Nó thiếu đi cái mượt mà, bay bổng… do đó mà nhịp điệu riêng đánh sâu vào tâm thức người đọc, đòi hỏi phải có một sự tập trung thật sự cao độ.

Những va đập văn hóa phố - làng trong tác phẩm mới của nhà văn Trần Chiến
 - Ảnh 2.

Về tác phẩm này, nhà văn Trần Chiến nói: "Tôi sống ở Hà Nội, nghĩ kiểu thị dân nhưng lại thấy căn cốt Việt là ở nông thôn”

Hà Thúy Phương

Ông cũng sáng tạo ra các tổ hợp từ ngữ của riêng chính mình. Nếu Phùng Văn Khai nổi tiếng với việc dùng tính từ rất thơ, rất mộng, thì ở Trần Chiến, đó là những câu xuất phát từ đời sống nông thôn, pha lẫn một chút thị dân mà chỉ những người quan sát thật sự tinh nhạy mới cảm thấy được.

Chẳng hạn như nhiều cụm từ có thể khiến cho độc giả cảm thấy thích thú vốn được bắt nguồn từ những câu nói phổ biến trên mạng xã hội cũng như đời sống, ví như “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, “1 vợ, 2 con, 3 lầu, 4 bánh”… hay các “thuật ngữ” đậm tính công sở, như ăn “cam-pu-chia” (đóng góp chia đều), “lệ quyên” (một người chi trả cho tất cả)... và còn nhiều nữa.

Bên cạnh đa phần là hiện thực, châm biếm cuộc sống, ta cũng thấy được mảng giải thiêng, hư cấu lịch sử ông từng thành công trong tác phẩm khác là tiểu thuyết Gót Thị Mầu, đầu Châu Long.

Ở hai truyện ngắn Đương độ xuân thì Tiên Dung công chúa, ông đã sử dụng trở lại hai hình tượng lớn trong lịch sử việc là Huyền Trân công chúa và nàng Tiên Dung gắn liền với “Tứ bất tử” Chử Đồng Tử. Hòa vào khe hẹp của tính hư cấu, nhân vật của ông mới mẻ, sống động… với các tưởng tượng bay bổng, có thể khiến cho người đọc “đỏ mặt” ở vài phân đoạn.

Nhưng dĩ nhiên mục đích của ông còn lớn hơn thế, khi qua văn chương, ông muốn họ có một lời giãi bày về những lựa chọn mà các nhân vật đã làm từ trong quá khứ. Ở đó có một Huyền Trân “ngói lành hơn chán vạn ngọc nát”, có một Tiên Dung không chịu sắp đặt với các hôn ước… mà từ một nàng công chúa “đi nhẹ nói khẽ cười mỉm buồn vui yêu ghét không bộc lộ” họ đã trở thành một người “đàn bà dở dang”, một người từ bỏ vinh hoa phú quý để rồi ẩn hiện trong trí tưởng tượng của nhiều thế hệ về sau.

Với sự phong phú trong việc sử dụng thể loại, ngôn ngữ độc đáo cũng như nội dung bình dị, đời thường, nhà văn Trần Chiến đã bộc lộ được sự trăn trở của mình với những va đập văn hóa, từ đó họa lại một bức tranh chung về những con người từ làng ra phố, từ phố về làng vô cùng ấn tượng, sống động. Có thể là những vấn đề tưởng như đã cũ, đã được khai thác rất lâu trước đó, nhưng ông đã tìm thấy được hướng đi của mình.

Tác giả Trần Chiến sinh năm 1951, tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng công tác tại báo Hà Nội Mới. Rất nhiều tác phẩm của ông đã đạt những giải thưởng cao, như tập truyện Con bụi, Đường đua… cũng như tiểu thuyết Bốn chín chưa qua, Đời vàng… Về tác phẩm Tỏ giăng tỏ đèn, ông đã nói rằng: “Tôi sống ở Hà Nội, nghĩ kiểu thị dân nhưng lại thấy căn cốt Việt là ở nông thôn.”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.