Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), với doanh thu khoảng 2,4 tỉ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thị trường gọi xe trực tuyến (ride-hailing) hay “gọi xe công nghệ” tại Việt Nam hứa hẹn tiềm năng lớn, được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”, khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đứng ngồi không yên.
Theo ước tính, sau 7 năm phát triển (từ 2014 khi có sự xuất hiện của Uber, Grab...), thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời và cạnh tranh khốc liệt với dịch vụ đa dạng hơn và quy mô thị trường lớn hơn nhiều với mức tăng trưởng cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ. Tuy nhiên, theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, gồm Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%, cho thấy mức độ tập trung thị trường khá cao.
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam có doanh thu khoảng 2,4 tỉ USD |
TNO |
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng đối với những thị trường đặc thù như thị trường của các nền tảng số, khi đánh giá mức độ cạnh tranh, thay vì yếu tố thị phần, cơ quan cạnh tranh các quốc gia chủ yếu xem xét các yếu tố rào cản gia nhập và mở rộng thị trường. Đối với thị trường gọi xe công nghệ thì rào cản tài chính là một trong những rào cản lớn. Những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính thì khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến. Ngoài ra, hiệu ứng mạng lưới gián tiếp giữa các nhóm người dùng trên nền tảng và dữ liệu người dùng cũng được các cơ quan cạnh tranh ưu tiên xem xét khi đánh giá cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có những giai đoạn hoạt động cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến bị gián đoạn nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, các nền tảng gọi xe trực tuyến đã tăng cường mở rộng, bổ sung các dịch vụ khác và liên tục giới thiệu các dịch vụ mới trên nền tảng của mình nhằm thích nghi với hoàn cảnh, đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người dân trong mùa dịch. Bởi vậy, cuộc đua tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trong và hậu Covid-19 càng trở nên khốc liệt hơn, không chỉ ganh đua về phí dịch vụ, mà còn cạnh tranh nhau về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng. Cơ quan quản lý đánh giá sự cạnh tranh trên thị trường gọi xe trực tuyến trong thời kỳ bình thường mới mang yếu tố tích cực, đem lại những lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, bao gồm cả người đi xe và lái xe. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức, áp lực lớn hơn đối với các doanh nghiệp tiềm năng, muốn gia nhập thị trường...
Bình luận