Grab, Uber không còn là ‘trái ngọt’?
Xe

Grab, Uber không còn là ‘trái ngọt’?

15/01/2018 16:29 GMT+7

Lần thứ hai liên tiếp trong một tuần trở lại đây, đối tác tài xế của Grab phản ứng mạnh bằng cách tắt ứng dụng, đình công, gây sức ép lên hãng, yêu cầu giảm mức chiết khấu xuống 15%.

Tuần trước, khi Grab đơn phương tăng mức chiết khấu từ 20% lên 23,6% từ ngày 1.1.2018, nhiều tài xế Grabbike tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi tắt ứng dụng (app), không chạy xe để phản đối. Sau đó vài ngày, Grab đã âm thầm giảm mức chiết khấu về 20% (tháng 8.2017 Grab cũng tăng mức chiết khấu từ 15% lên 20% nhưng không thông qua các tài xế).
Tuy nhiên, việc giảm chiết khấu về lại 20% không nhận được sự đồng tình của nhiều đối tác tài xế. Từ 9 giờ sáng nay (15.1), rất đông tài xế Grabbike và Grabcar đã tập trung về phía trước trụ sở của Grab tại Hà Nội, gây tắc nghẽn kéo dài trên tuyến đường này. Các tài xế hô vang: "Giảm chiết khấu, giảm chiết khấu", với yêu cầu giảm mức chiết khấu về mốc ban đầu là 15%.
Cuộc gặp sau đó giữa đại diện Grab và tài xế lúc hơn 10 giờ sáng nay tại công ty cũng chưa đem tới một thoả thuận chính thức.
Cũng trong sáng nay, hàng chục chiếc xe taxi công nghệ đã xuất phát từ sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), lưu thông trên nhiều tuyến phố để phản ứng việc Hà Nội cấm đường với Uber, Grab cũng như Grab tăng chiết khấu.
Giảm thu nhập
Dù chưa có tình trạng tụ tập phản ứng mạnh như Grab, nhưng nhiều tài xế chạy cả ứng dụng Uber lẫn Grab cho biết các ứng dụng này không còn là “trái ngọt” như giai đoạn đầu, khi tài xế đang bị sức ép từ cả phía hãng lẫn quy định của cơ quan chức năng.
Tài xế N.P.L, hiện đang chạy song song cả ứng dụng Grab và Uber, cho biết so với những ngày đầu khi hai ứng dụng này mới vào Việt Nam, thu nhập, quyền lợi của tài xế đã giảm sút rất nhiều.
“Tôi làm cả ngày, nếu chạy đều mỗi ngày được xấp xỉ 700.000 - 1 triệu đồng. Sau khi trừ chiết khấu, xăng dầu, điện thoại cộng thêm các cuốc được thưởng... chỉ còn hơn 10 triệu đồng/tháng, trong khi trước đây thu nhập hàng tháng khoảng 15 - 18 triệu đồng", anh L., cho biết.
Anh T.C, một tài xế chạy ứng dụng Uber, cũng cho hay, thu nhập nếu chạy đều hiện vẫn được 10 - 15 triệu đồng tuỳ từng tháng, nhưng sau khi trừ phần tiền lãi vay mua xe hàng tháng hết 6 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, không còn bao nhiêu.
Theo anh T.C, với những tài xế chạy xe nhà kiếm thêm thu nhập, việc tham gia chạy ứng dụng Grab hoặc Uber có thể đem lại một nguồn thu khá. Tuy nhiên, với rất nhiều tài xế vay mua xe thì các ứng dụng này càng không còn là “trái ngọt” khi thu nhập giảm, trong khi gánh nặng nợ vay ngân hàng hàng tháng.
Chạy cuốc xe từ Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) về Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), anh P.C.T, một tài xế chạy ứng dụng Grab car, cho biết anh kiếm được 110.000 đồng, nhưng mất hơn 1 giờ trên đường. Một phần vì giờ cao điểm ùn tắc, phần khác vì lệnh cấm xe hợp đồng trên 11 tuyến phố của Sở Giao thông vận tải Hà Nội khiến anh phải vòng thêm quãng đường xa hơn.
“Xe đi vòng xa hơn, tốn thời gian hơn nhưng tiền thì vẫn vậy. Tài xế Grabcar một ngày theo quy định phải nhận không được dưới 85% lượt book xe, huỷ không được dưới 20% lượt book. Nếu huỷ trên 30% trong 1 ngày khoá luôn tài khoản trong 3 ngày, còn nếu huỷ trên 20% lại mất thưởng nên cũng không dám huỷ quá nhiều”, anh T., nói.
Cho biết sẽ tuân thủ quy định do e ngại bị phạt nếu đi vào đường cấm, nhưng nhiều tài xế cũng bức xúc cho rằng, cách quản lý của Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang theo kiểu "quản không được thì cấm". 
Đón khách khó hơn, vòng đường xa hơn... đây chỉ là một trong những quy định trước mắt khiến hoạt động của tài xế Grab, Uber không còn dễ dàng, thoải mái như thời gian thí điểm trước đây. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng đang tính toán thêm nhiều quy định ràng buộc hơn để đưa hoạt động của xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab về gần với xe taxi, đảm bảo bình đẳng giữa 2 loại hình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.