GS Cù Trọng Xoay nói về việc thực hư hợp đồng bảo mật Táo quân

01/01/2018 17:10 GMT+7

“Áp lực lớn nhất của tôi là sợ bị đạo diễn “chửi” vì chậm tiến độ, vì làm chất lượng kém”, GS Cù Trọng Xoay (tên thật Đinh Tiến Dũng), cây bút viết kịch bản chính của Táo quân , chia sẻ.

2 giờ sáng bị gọi điện vì kịch bản Táo quân

Đinh Tiến Dũng tiếp tục là người chắp bút chính cho kịch bản Táo quân 2018. Khi hỏi về những áp lực khi viết kịch bản Táo quân, GS Cù Trọng Xoay cười: “Áp lực lớn nhất của tôi là sợ bị đạo diễn “chửi” vì chậm tiến độ, vì làm chất lượng kém”.

“Viết thế này không đủ! Viết thế này không ổn! Dũng ơi, đoạn này em viết chưa đủ đô. Viết tăng đô lên cho anh! Đoạn này mày viết lệch hướng rồi. Tôi và anh Đỗ Thanh Hải thường nói với nhau như thế từ hơn chục năm qua mỗi khi làm Táo quân. Anh Đỗ Thanh Hải là người chịu trách nhiệm cuối cùng của chất lượng sản phẩm lên sóng, nên anh rất cầu toàn. Tôi từng thấy khi chất lượng Táo quân không được tốt như mong muốn, người đau khổ nhất là anh Hải”, Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

GS Cù Trọng Xoay kể: “Có đêm khi đã 2 giờ sáng, anh Hải gọi điện bảo, anh nghĩ được ra cái này, có khi chú có thể đưa vào thêm. Các diễn viên thì phải tập luyện thâu đêm. Nhiều khi rất mệt, nhưng nhìn “tổng công trình sư” như vậy, không ai là không cố gắng. Giống như khi bạn đá bóng trong một đội hình, có ngôi sao họ đá tốt quá, mọi người phải đua theo, đồng thời mình cũng tiến bộ lên”.

Bên cạnh Đinh Tiến Dũng là cây viết chính, đội ngũ tham gia viết kịch bản Táo quân gồm nhiều người, nhưng có những người còn chưa biết mặt nhau. “Những anh em trong nhóm viết kịch bản đôi khi không gặp nhau. Tôi cũng không biết hết những người tham gia. Gống như một nhóm thợ xây ngôi nhà, người xây bếp, người xây cái nọ, cái kia. Người nào biết việc nấy. Chỉ có “tổng công trình sư” (đạo diễn Đỗ Thanh Hải - PV) là biết thôi”, GS Cù Trọng Xoay chia sẻ.

Cũng như những năm trước, những thông tin liên quan đến Táo quân không hề được tiết lộ. Hỏi có phải ký hợp đồng bảo mật Táo quân hay không, anh cho biết: “Không. Anh em cùng làm trong lĩnh vực sáng tạo về nội dung, cũng như làm trong truyền hình có những quy tắc riêng về tôn trọng “lãnh thổ” của nhau. Như anh Chí Trung, bình thường làm giám đốc nhà hát, đạo diễn của nhiều vở, thét ra lửa với diễn viên; hay anh Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý cũng nằm trong ban lãnh đạo nhà hát, trưởng, phó đoàn, nhưng khi làm việc với nhau rất chuyên nghiệp. Tôi hiện là giám đốc sáng tạo của truyền hình FPT, nhưng khi làm Táo quân, mình chỉ là một trong các biên kịch. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau”.

Làm Có giời mới biết “cạnh tranh” với Táo quân

Đinh Tiến Dũng cũng là người chắp bút kịch bản phim hài tình huống Có giờ mới biết, dài 52 tập, chính thức được phát sóng vào lúc 20 giờ 30  ngày thứ 2 hàng tuần tại ứng dụng Sự kiện trên hệ thống Truyền hình FPT và ứng dụng FPT Play bắt đầu từ ngày 1.1.2018.

Trong phim Có giời mới biết các nhân vật đều ở trong cùng một ngôi nhà. Cuộc sống của hai gia đình trong ngôi nhà ở hai thế giới khác nhau, một là gia đình của những người phàm trần và một gia đình của những vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ cai quản ngôi nhà đó.
Các vị thần được nhà Giời giao cho quản trị các chỉ số Phúc - Lộc - Thọ của gia đình người phàm trần thông qua “thiên thư” nên khi có vấn đề xảy ra với nhà người phàm trần thì đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến “chỉ tiêu quản trị” và “thành tích thi đua” của các vị thần đã đăng ký với Giời, do vậy họ buộc phải nỗ lực cùng nhau giải quyết vấn đề.
Các nghệ sĩ tham gia trong bộ phim hài Có giời mới biết Ảnh Vân Anh
Phim có tham gia của các nghệ sĩ NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Đức Khuê, nghệ sĩ Vân Dung, Mạnh Dũng, Bạch Quỳnh… Nhiều nghệ sĩ đã quen thuộc với khán giả trong chương trình Táo quân.
Hỏi Đinh Tiến Dũng làm Có giời mới biết để “cạnh tranh” với Táo quân, anh cười bảo vì là người viết kịch bản của cả phim và chương trình nên có hướng đi rất rõ. "Với Táo quân của VTV, các vị Táo đại diện cho một ngành nghề nào đấy để nêu lên một vấn đề trong cả môt năm, của các ngành lớn. Còn Có giời mới biết là câu chuyện của gia đình, chuyện bếp núc, chuyện đời sống. Các vị thần linh biết trước sự việc xảy ra nên tìm cách thay đổi", GS Cù Trọng Xoay chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.