GS Đỗ Đức Thái: Không thể bắt thi để buộc học sinh phải học

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/09/2023 16:33 GMT+7

GS Đỗ Đức Thái cho rằng, để môn học "cuốn hút" được học sinh, điều cần làm là đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

Các nước không có câu trả lời đúng sai cho hình thức thi THPT

GS Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng trong thời gian gần đây, những vấn đề về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã trở nên cấp bách không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn đối với nhân dân cả nước.

GS Đỗ Đức Thái: Không thể bắt thi để buộc học sinh phải học môn đó   - Ảnh 1.

GS Đỗ Đức Thái nêu quan điểm về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

NGUYỄN MẠNH

Tựu trung có 3 vấn đề chính nổi lên. Một là quan niệm về kỳ thi tốt nghiệp THPT nên như thế nào cho đúng trong bối cảnh của đất nước sau năm 2025? Quan niệm đúng sẽ giúp xác định đúng mục tiêu của kỳ thi đó. Đây là khâu then chốt trong toàn bộ công tác này.

Hai là phương thức và cách thức tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nên như thế nào?

Ba là dạng thức đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi cho những môn thi trong kỳ thi đó nên như thế nào?

GS Thái cũng nêu ví dụ cách thức thi hoặc xét công nhận tốt nghiệp THPT của nhiều nước đại diện cho các khu vực trên thế giới và cho rằng: do triết lý và chương trình giáo dục phổ thông quy định nên các nước trên thế giới có những quan điểm, mục tiêu, cách tiếp cận khác nhau về cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Trong khi có nhiều nước dựa vào kết quả các bài thi chuẩn hóa để xét tốt nghiệp thì cũng có một số nước không sử dụng hình thức này.

Theo GS Thái, không có câu trả lời đơn nhất đúng sai cho những hình thức thi THPT, mà là mỗi cách đều cần phải phục vụ (một cách hiệu quả) mục đích của hệ thống giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên, có một điểm chung ở các nước mà chúng ta vừa nêu, đó là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh nhằm phát huy sở trường của từng học sinh.

GS Thái nêu quan điểm: "Với Việt Nam, vì giáo dục phổ thông là nơi lưu trữ, bảo tồn, phát triển bản sắc dân tộc và nền văn hóa dân tộc nên chúng ta phải xây dựng cho được quan điểm, mục tiêu, phương thức và cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh của chúng ta trên phương châm giải quyết những vấn đề cụ thể của nền giáo dục Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước Việt Nam", dẫu rằng kinh nghiệm quốc tế là vô cùng quan trọng và cần thiết".

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không đóng vai trò tuyển sinh đại học, cao đẳng

GS Đỗ Đức Thái cho rằng, để xây dựng được đúng đắn các quan điểm, mục tiêu, phương thức và cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh, cần thống nhất những nguyên tắc mà Nghị quyết của T.Ư, của Quốc hội đã chỉ ra, như đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh; cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT (nếu có) chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chứ không đóng vai trò trực tiếp tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Bộ GD-ĐT nên khuyến khích các trường đại học và cao đẳng tự chủ hoàn toàn trong vấn đề tuyển sinh với những phương thức tuyển sinh khác nhau phù hợp với từng nhà trường...

Như vậy, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT phải trực tiếp góp phần thực hiện thành công những chỉ đạo của Nghị quyết 29 về tính định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT "nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh".

Không thể "thi gì học nấy"

Theo ông Thái, đánh giá giáo dục, trong đó có phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh.

Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý "học gì thi nấy". Không thể để xảy ra việc đánh giá giáo dục điều tiết, chi phối mục tiêu giáo dục, tức là không thể để xảy ra việc "thi gì học nấy".

Đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị mà học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời của học sinh sau này; từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học.

Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học để đạt được điều đó, không thể dùng biện pháp hành chính: bắt buộc thi một số môn học để buộc học sinh phải học môn đó.

Nên thi mấy môn?

GS Đỗ Đức Thái đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên quy mô toàn quốc với các môn thi: với môn bắt buộc lựa chọn một trong 2 phương án, trong đó phương án 1 chỉ thi 2 môn là toán và ngữ văn; phương án 2 thi 3 môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Với môn tự chọn, nên cho học sinh chọn  2 môn học sở trường đã được học sinh chọn từ những môn học ở cấp THPT.

GS Thái đề nghị cần làm rõ những vấn đề: vai trò, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; nghiên cứu chuẩn hóa chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, cần xây dựng bộ chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh và bộ công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh ở mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Khi đã làm rõ những vấn đề trên, việc xác định dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể giải quyết được một cách khoa học, bài bản", GS Thái nói.

Đội ngũ ra đề thi nên huy động từ nguồn nào?

GS Đỗ Đức Thái nêu ý kiến: công việc hết sức quan trọng tiếp theo là xây dựng đội ngũ chuyên gia, giáo viên ra đề thi. Họ là những người quyết định chất lượng của đề thi, do đó quyết định sự thành bại của kỳ thi.

Do vậy, GS Thái đề xuất 3 nguồn huy động đội ngũ ra đề thi có ban xây dựng và phát triển chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những người thấu hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì đã biên soạn ra chương trình đó.

Các tác giả chủ chốt của các bộ sách giáo khoa, những người nghiên cứu và tìm hiểu kỹ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để viết sách giáo khoa.

Các chuyên gia, giáo viên phổ thông cốt cán có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng đề thi.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.