GS Đức đưa ra ý tưởng chống ngập cho TP.HCM

23/09/2016 18:41 GMT+7

GS-TS Boris Lehmann (Đức) đưa ra ý tưởng sử dụng mô hình kết hợp để dự báo thời tiết, sau đó dùng mạng lưới để đo đạc mực nước. Từ đó, sẽ có thể mở rộng lưu vực sông để nước thoát nhanh.

Ngày 23.9, Trường ĐH Việt Đức tổ chức hội thảo tập hợp các ý kiến của các học giả trong lĩnh vực lũ lụt đô thị, nhằm mở ra hướng đi mới cho những nghiên cứu về ứng phó với ngập úng.
Phát biểu tại hội thảo, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM cho biết, tình hình lũ lụt tại TP là do: đô thị hóa, cường độ mưa, nước biển dâng, sụt lún đất và lũ thượng nguồn. Các báo cáo đánh giá tính bền vững trong các kế hoạch kiểm soát lũ lụt trong đô thị hiện có và giải thích lý do tại sao việc kiểm soát lũ lụt vẫn chưa được như mong đợi. Đó là do những trở ngại về mặt kỹ thuật chưa phù hợp thực tế, vấn đề đồng thuận của người dân cũng nhưng các thể chế chưa thật sự thuyết phục người dân.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM nhận xét, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở TP.HCM và những tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến lũ lụt ở khu vực đô thị ngày càng nghiêm trọng.
“Với mục tiêu nhằm góp phần làm giảm bớt các vấn đề ngập úng cho TP, tăng cường không gian xanh đô thị, xây dựng một mô hình đầu tư thực tế và khả thi, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc cũng đã tổ chức chương trình “Thích ứng với biến đổi khí hậu”. Chương trình đã nghiên cứu mô hình công viên đa chức năng, kết hợp chức năng hồ điều tiết, tăng diện tích không gian mở và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân”, ông Tuấn cho biết.
GS-TS Boris Lehmann, Giám đốc Viện Kỹ thuật thủy lực và tài nguyên nước - ĐH Kỹ thuật Darmstadt (Đức) cũng đưa ra các ý tưởng phòng chống ngập lụt. Theo đó, nên sử dụng mô hình kết hợp để dự báo thời tiết, sau đó dùng mạng lưới để đo đạc mực nước. Từ đó, sẽ có thể mở rộng lưu vực sông để nước thoát nhanh.
“Ưu điểm của phương pháp này, là tạo ra những khoảng không gian ở các dòng sông nhằm dự trữ cho việc thoát lũ. Việc đo đạc và những tác động của biện pháp này sẽ giúp cho các công trình xây dựng thích ứng với lũ, cũng như có thể quản lý lũ lụt cấp độ địa phương. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gặp một số nhược điểm như: cần phải phát triển các khái niệm an toàn trong mô hình kỹ thuật thủy lực”, ông Boris Lehmann nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.