(TNO) Chiều 28.7, Giáo sư (GS) Jerome Friedman (đang công tác tại Đại học Chicago, Mỹ), đoạt giải Nobel Vật lý về hạt Quarks năm 1990, đã có buổi nói chuyện, giao lưu với khoảng 800 học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học về chủ đề Con đường dẫn tới Quarks và xa hơn tại Hội trường Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định.
GS Trần Thanh Vân và GS Jerome Friedman (từ phải sang) trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Bình Định
Các bạn trẻ háo hức trò chuyện trực tiếp với GS Jerome Friedman
GS Jerome Friedman tặng chữ ký cho các bạn học sinh, sinh viên
|
Chương trình do Hội LHTN tỉnh Bình Định, Hội Sinh viên tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tổ chức.
Tại buổi giao lưu, sau phần trình bày về hạt Quarks của GS Friedman, nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi với ông về những vấn đề liên quan đến hạt Quarks, con đường nghiên cứu khoa học của GS Friedman...
GS Friedman cho biết ông chọn nghiên cứu về hạt Quarks vì tò mò muốn biết cấu trúc bên trong hạt và đã nhận ra đấy là một con đường rất thú vị. Bản thân ông cũng muốn nói chuyện, truyền đạt cho các bạn trẻ về nguyên lý cơ bản của hạt để mọi người cùng hình dung thế giới xung quanh mình vận hành thế nào.
Kết khúc buổi giao lưu, GS Friedman đã nán lại trò chuyện với nhiều bạn trẻ muốn đặt câu hỏi cho ông. Tình cảm chân thành, gần gũi của GS Friedman khiến nhiều bạn trẻ phấn khích.
Thất bại sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường mới
|
* Chào giáo sư, chúc mừng ông đã có buổi nói chuyện, giao lưu rất tuyệt với với các bạn trẻ Việt Nam! Ông thấy các bạn trẻ ở Việt Nam như thế nào?
- Tuyệt vời! Tôi cảm ơn vì họ đã đến đây nghe tôi nói cả buổi chiều hôm nay và đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi hay. Các bạn trẻ Việt Nam có niềm đam mê khoa học không thua gì các bạn trẻ trên thế giới và họ cũng rất sôi nổi. Tôi biết có nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học rất giỏi, vào loại hàng đầu trên thế giới.
* Vậy làm sao để các bạn trẻ Việt Nam thực hiện được niềm đam mê khoa học của mình?
- Để đến với khoa học, các bạn trẻ phải được học ở những nơi có điệu kiện thật tốt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới và bản thân các bạn trẻ cũng phải có ý thức học tập tốt. Các bạn phải kiên trì, quyết tâm thực hiện con đường mà mình đã chọn.
Nếu các bạn chọn bất cứ một con đường nào trong cuộc sống, các bạn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thất bại, vấp ngã nhưng điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã các bạn lại đứng lên được và học được bài học về sự thất bại đó. Như vậy thì thất bại sẽ không bao giờ là thảm họa mà nó sẽ giúp chúng ta rút ra được bài học, giúp chúng ta có được con đường mới. Trong khoa học, muốn thành công, các bạn phải chấp nhận rủi ro để tìm ra cái mới.
Trong cuộc đời của tôi, cũng từng có những người bạn đưa ra lời khuyên rằng, điều tôi làm không đúng hướng, sẽ không mang lại ích lợi gì, chỉ có lãng phí thời gian thôi, nhưng tôi tin vào mình, tôi chấp nhận rủi ro và cuối cùng tôi đã thành công.
* Nếu đưa ra một lời khuyên cho lớp trẻ Việt Nam đam mê nghiên cứu khoa học, ông sẽ nói điều gì?
- Nếu các bạn trẻ thành công trên con đường khoa học thì nên quay về Việt Nam để làm việc cho Việt Nam. Bởi sẽ là một thảm họa nếu tất cả những người giỏi ở Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đừng để Việt Nam chảy máu chất xám ra nước ngoài.
- Xin cảm ơn giáo sư! Chúc ông sức khỏe và thành công hơn trong công việc và cuộc sống.
Bình luận