GS-TSKH Bùi Văn Ga: 'Quyền lực của hội đồng trường còn rất hạn chế'

Hà Ánh
Hà Ánh
21/04/2023 15:51 GMT+7

'Luật Giáo dục ĐH đã quy định rất rõ quyền lực của hội đồng trường nhưng trong thực tế, quyền lực của hội đồng trường còn rất nhiều hạn chế. Trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội của hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt…'

Đó nhận định của GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, liên quan đến vấn đề hội đồng trường ĐH trong hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ ĐH do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay (21.4).

 GS-TSKH Bùi Văn Ga: 'Trách nhiệm của hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt'  - Ảnh 1.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tham dự hội thảo sáng nay

HÀ ÁNH

Việt Nam chi ngân sách cho giáo dục ĐH chỉ đạt khoảng 0,27% GDP

Hiện Việt Nam chỉ có 141/232 cơ sở giáo dục ĐH đủ điều kiện để tự chủ, theo thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Tự chủ ĐH trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới".

Trong số các trường đã tự chủ, theo Bộ GD-ĐT, hiện nay 32,76% trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Bên cạnh đó, 154/170 cơ sở giáo dục ĐH công lập đã thành lập hội đồng trường theo luật số 34 và Nghị định số 99 của Chính phủ năm 2019 (đạt tỷ lệ 90,6%). 

Một số nguyên nhân của việc chậm thành lập hội đồng trường được xác định là do cơ sở giáo dục còn khó khăn về nhân sự, thiếu người đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng trường, chưa đồng thuận trong tập thể lãnh đạo, Đảng ủy nhiệm kỳ mới chưa được bầu; hoặc do cơ quan quản lý trực tiếp chưa phê duyệt.

Đánh giá về quá trình thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH thời gian qua, tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều hạn chế như sự khiêm tốn của nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước dành cho các trường ĐH.

Theo bà Hoa, mặc dù mức đầu tư cho giáo dục ĐH thời gian qua đã có nhiều cải thiện, nhưng còn thấp so với mức trung bình trong khu vực và thế giới. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương trên 5% GDP. Đây là mức đầu tư khá cao so với nhiều nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, mức đầu tư công cho giáo dục ĐH của Việt Nam còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33-4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy mới chỉ đạt khoảng 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Cũng theo tiến sĩ Hoa, phương thức và định mức phân bổ nguồn lực công cũng có nhiều bất cập, thiếu trọng tâm, trọng điểm, dựa chủ yếu trên các định mức truyền thống mà không căn cứ vào kết quả hoạt động dẫn đến dàn trải, không hiệu quả. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích cho hoạt động hợp tác đối tác công-tư trong giáo dục ĐH cũng như chính sách về học bổng, tín dụng sinh viên có độ phủ thấp, giá trị chưa đủ cao.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần có nghiên cứu để có quy định đầu tư công ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH để phù hợp với quốc tế và trong nước.

 GS-TSKH Bùi Văn Ga: 'Trách nhiệm của hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt'  - Ảnh 2.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ nhiều vấn đề về hội đồng trường

HÀ ÁNH

Hoạt động của hội đồng trường ở nhiều nơi còn mang tính hình thức

Tham dự hội thảo, GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu lên những thực tế xung quanh hoạt động của hội đồng trường. Ông Ga nói: "Tuy luật Giáo dục ĐH đã quy định rất rõ quyền lực của hội đồng trường nhưng trong thực tế, quyền lực của hội đồng trường còn rất nhiều hạn chế. Hoạt động của hội đồng trường ở nhiều trường còn mang tính hình thức. Trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội của hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt. Xã hội chưa nhận thấy vai trò của hội đồng trường".

Ông Ga đồng thời chỉ ra những thực tế về hội đồng trường hiện nay. Chẳng hạn, về thành phần bên ngoài tham gia hội đồng trường, theo ông Ga, đa số các thành viên bên ngoài trường tham gia hội đồng trường đều là lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo UBND địa phương hay lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương. Ở những địa phương có nhiều trường ĐH thì thường một lãnh đạo doanh nghiệp/địa phương tham gia nhiều hội đồng trường.

"Theo nguyên tắc thì người đại diện địa phương tham gia hội đồng trường sẽ thay mặt cho địa phương xử lý những vướng mắc liên quan của nhà trường. Tuy nhiên, đa số những thành viên tham gia đều không có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề đó nên thực tế thành phần đại diện cho địa phương tham gia hội đồng trường không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ mà nhà trường mong đợi. Mặt khác, do một người tham gia nhiều hội đồng trường nên không bố trí đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến có chất lượng ở các kỳ họp", ông Ga đánh giá.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT còn chỉ ra những vấn đề về chức năng của hội đồng trường trong quyết định những vấn đề lớn của trường ĐH. Theo đó, hội đồng trường đúng quy định là hội đồng quyền lực, quyết định những vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lý những vấn đề lớn của trường được thực hiện theo các bước như trước khi có hội đồng trường: tập thể lãnh đạo trường dự kiến/đề xuất, thông qua ban thường vụ Đảng ủy/Đảng ủy cuối cùng đưa ra hội đồng trường biểu quyết thông qua. Thực tế hầu như không có vấn đề nào Đảng ủy đã thông qua mà hội đồng trường bác bỏ. "Như vậy, thực tế thì vai trò của hội đồng trường trong quá trình ra quyết định rất mờ nhạt, không hiệu quả như mong đợi", ông Ga nhấn mạnh.

Đề xuất cơ quan chủ quản giao quyền cho hội đồng trường

Vì thế, ông Ga kiến nghị cần đổi mới cách tiếp cận quyền lực của hội đồng trường theo hướng cơ quan chủ quản giao quyền của mình cho hội đồng trường thay vì hội đồng trường chia sẻ quyền lực của ban giám hiệu như hiện nay. Vai trò của cơ quan chủ quản đối với trường giảm dần theo sự lớn mạnh và hiệu quả hoạt động của hội đồng trường.

Theo đề xuất của nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong khi các trường còn có cơ quan chủ quản như hiện nay thì lãnh đạo hội đồng trường nên được tổ chức theo hướng nhất thể hóa như các ĐH quốc gia. Khi vai trò của cơ quan chủ quản giảm dần và vai trò tự chủ của trường tăng lên thì hội đồng trường nên được tổ chức theo mô hình độc lập như các trường ĐH theo mô hình mới đang được thí điểm ở nước ta.

Chính phủ cần có quy định cụ thể về hội đồng trường

Theo GS-TS Trình Quang Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam-Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông, năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 77 về thí điểm tự chủ giáo dục ĐH nhằm khuyến khích các cơ sở ĐH công lập chủ động khai thác sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực của trường để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho ngân sách. Đầu tiên là 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT, sau đó mở rộng 23 trường được thí điểm tự chủ.

Từ Nghị quyết số 29, GS Phú cho rằng Chính phủ cần có quy định cụ thể về hội đồng trường, quy định này là một văn bản pháp quy dưới luật, trong đó có quy định rõ tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường phải do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê chuẩn. Có như vậy, hội đồng trường mới thật sự có vai vế, đủ tầm là cơ quan chủ quản của trường ĐH.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.