Gửi tiền lãi 'bèo' nhưng vay tiền vẫn phải trả lãi cao

Mai Phương
Mai Phương
12/03/2024 06:21 GMT+7

Sau lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu ở mức thấp, nhiều người vay tiền ngân hàng vẫn phải ngậm ngùi trả lãi cao chót vót trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm mạnh.

Cá nhân cũng ngần ngại vay tiền

Lãi suất (LS) huy động tiền gửi tiết kiệm của nhiều ngân hàng (NH) vẫn tiếp tục đi xuống. Chẳng hạn, hiện LS của NH SHB kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 4,2%/năm, 12 tháng là 4,7%/năm; NH Quân Đội áp dụng LS cho kỳ hạn tương tự từ 3,6 - 4,6%/năm; VPBank từ 4 - 4,3%/năm; Vietcombank từ 3 - 4,7%…

Trong khi người gửi tiền "khóc ròng" vì LS tiết kiệm lao dốc thì ngược lại, LS cho vay đối với cá nhân lại vẫn cao và giữa các NH cách xa nhau. Cụ thể, nhân viên một phòng giao dịch Vietcombank tại TP.HCM cho biết hiện LS cho vay áp dụng cho đối tượng cá nhân là 6,6%/năm trong hai năm đầu tiên; sau đó sẽ áp dụng LS thả nổi được tính theo LS tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank + 3,5% nhưng không thấp hơn mức sàn (mức sàn công bố của Vietcombank hiện tại là 9%).

Hay BIDV cũng công bố LS cho vay cá nhân từ 6%/năm trong 12 tháng hay 18 tháng đầu tiên tùy theo thời gian vay và LS sau đó cũng sẽ thả nổi. Trong khi đó, tại NH Shinhan áp dụng LS cho cá nhân vay cố định 5 năm ở mức 7,45%/năm; sau thời gian này, NH sẽ áp dụng LS tiết kiệm 12 tháng + 4%... Một số NH thương mại khác cũng có LS cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm áp dụng cho năm đầu tiên và sau đó LS thả nổi, dao động từ 12 - 13%/năm.

Gửi tiền lãi 'bèo' nhưng vay tiền vẫn phải trả lãi cao- Ảnh 1.

Lãi suất vay xuống thấp nhưng nhiều cá nhân vẫn không dám vay

NHẬT THỊNH

LS vay tuy giảm nhưng nhiều cá nhân vẫn ngần ngại không dám đi vay. Từ cuối năm 2023, gia đình chị Kim (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã khảo sát nhiều bất động sản (BĐS) từ nhà phố đến căn hộ. Theo chị, giá nhiều nhà ở đã có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu muốn mua nhà khoảng 5 tỉ đồng thì chị vẫn phải vay thêm hơn 1,5 tỉ đồng. Chị đã tham khảo LS ở nhiều NH nhưng vẫn chưa dám vay. "Nếu vay 10 năm, vừa lãi vừa gốc mỗi tháng tiền trả cũng lên gần 20 triệu đồng. Trong khi đó thu nhập cả hai vợ chồng cũng bị giảm trong thời gian qua, không còn những khoản làm thêm ngoài giờ nữa", chị Kim tính toán.

Tâm lý của chị Kim cũng là của số đông nhiều cá nhân hiện tại, "ngán" vay dù LS đã giảm so với trước. Khảo sát nhanh một số người cho biết nếu trước đây thị trường BĐS nhộn nhịp, họ sẽ tranh thủ vay NH để "lướt sóng" kiếm lãi. Tuy nhiên, hiện thị trường này vẫn giao dịch chậm, nhiều nơi còn đóng băng. Đó là chưa kể nhiều cá nhân còn "kẹp" hàng nên việc vay vốn từ NH là chuyện hầu như không dám nghĩ đến.

Cẩn thận với LS thả nổi

Mặc dù LS tiết kiệm giảm sâu nhưng LS cho vay cá nhân vẫn cao chót vót, đặc biệt là những hợp đồng đã vay trước đây và áp dụng LS thả nổi. Anh B.Q (Q.7, TP.HCM) cho hay tháng 10.2022, anh vay từ một NH thương mại để mua căn hộ với LS ưu đãi trong năm đầu tiên là 9,9%/năm. Hết thời gian ưu đãi, NH áp dụng LS thả nổi theo công thức LS cơ sở + 3,7%. Cụ thể, LS tháng 11.2023 anh trả là 8,7% + 3,7%, tổng cộng lên 12,4%/năm. NH này sẽ điều chỉnh LS từng tháng và mới nhất LS anh Q. trả gồm LS cơ sở là 8,5% + 3,7%, tổng cộng 12,2%/năm. Như vậy mức LS cơ sở sẽ do NH tự công bố hằng tháng.

Trong khi đó, chị Ngọc (Q.10, TP.HCM) cho hay hợp đồng vay của chị hiện tại đang áp dụng LS thả nổi với LS cơ sở là 8,5% và cộng thêm biên độ 3,5%, lên 12%/năm. "Thậm chí có người bạn vẫn đang trả lãi vay trên 13%/năm vì chưa đến thời gian điều chỉnh LS. Lúc này nghe gửi tiết kiệm LS chưa đến 5%/năm mà mình phải trả lãi vay lên 12 - 13%/năm thì thiệt là quá cao. Mình cũng nhờ tính nếu trả trước hạn để vay lại khoản mới cho LS thấp hơn thì lại bị tính phí trả trước hạn là 3%, nên cũng còn phân vân", chị Ngọc cho hay.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng của các NH trong tháng đầu năm bị âm và tháng 2 cũng ở mức thấp, xuất phát từ cả phía NH lẫn người vay. Bản thân các NH cũng xét duyệt khoản vay kỹ hơn, dè dặt khi số lượng doanh nghiệp (DN) tạm ngưng hoạt động, nhân viên bị mất việc cũng nhiều nên sợ rủi ro gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng bị sụt giảm thu nhập trong thời gian qua nên không dám vay mượn như trước.

Cả hai nguyên nhân đó cộng chung lại khiến dòng vốn vẫn chỉ loanh quanh trong hệ thống tín dụng mà không thoát ra ngoài. Đặc biệt, với nhiều người, dù LS cho vay ưu đãi năm đầu tiên hiện đã xuống thấp nhưng sau đó lại thả nổi cũng là một rủi ro nếu không tính toán kỹ. Thực tế, nhiều NH đưa ra công thức tính theo LS cơ sở cộng thêm một biên độ cố định. Nhưng LS cơ sở lại do chính NH tự công bố thì sẽ không khách hàng nào biết trước được sẽ tăng hay giảm so với lúc vay.

"Tôi nghĩ rằng các NH chỉ nên áp dụng LS thả nổi theo LS tiền gửi 12 tháng cộng thêm biên độ cố định và công bố rõ khi khách hàng ký hợp đồng vay. Như vậy mới công khai, minh bạch với khách hàng. LS cơ sở là một khái niệm không có trong định nghĩa văn bản chính thức nào và NH Nhà nước nên xem xét để yêu cầu các nhà băng không nên áp dụng theo kiểu đánh đố khách hàng", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đồng tình, chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển phân tích: Thông thường, NH áp dụng LS cho vay trên cơ sở LS đầu vào bình quân, cộng với chi phí vốn, rủi ro và lợi nhuận định mức để cho ra LS cho vay. Trong đó, mức rủi ro sẽ khác nhau tùy theo đối tượng khách hàng nên LS cũng sẽ khác nhau. Hiện ước tính LS đầu vào bình quân chỉ khoảng 3,5%/năm. Nếu cộng hết các chi phí, lợi nhuận… như trên thì LS cho vay chỉ từ 6,5 - 7,5%/năm. Riêng đối với khách hàng cá nhân, LS vay thế chấp chỉ dao động từ 7,5 - 8,5%/năm là hợp lý. Nếu đơn giản hơn cho khách hàng thì các nhà băng chỉ cần công bố lấy LS tiền gửi tiết kiệm cộng với biên độ cố định là nhanh.

"Tôi thấy cách nhiều NH đang áp dụng hiện nay là rất lạ. Nói thẳng ra là NH không quý trọng khách hàng thân thiết. Các nhà băng chỉ lo chào mời khách hàng mới khi đưa ra LS ưu đãi áp dụng trong thời gian 1 - 2 năm đầu tiên. Trong khi đó với những khách cũ, những người vẫn đang trả lãi đều đặn thì lại không có ưu đãi gì mà lại đẩy LS lên quá cao. Như vậy phải chăng NH chỉ chăm chăm lôi kéo những khách hàng mới để rồi sau đó tiếp tục đẩy LS cao để thu lãi lớn? Thử thấy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, từ DN đến người dân đều bị giảm mạnh thu nhập mà nhiều NH vẫn có lãi lớn và lãi này chủ yếu đến từ tín dụng thì thấy NH huy động thấp, cho vay cao là tình trạng diễn ra từ lâu", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Dữ liệu mới đây từ Công ty chứng khoán Rồng Việt, ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 2 tiếp tục ở mức âm 1,0%. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng ở mức âm trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1.2024 là -0,6% và tính đến ngày 16.2 là -1,0% so với tháng 12.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.