Sau 1 ngày nhận nhiều ý kiến phản bác, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) hôm qua tiếp tục có công văn bảo vệ đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%. VAFI thừa nhận đề xuất này “gây sốc”, còn các chuyên gia thì khẳng định, đề xuất này gây tác dụng ngược.
Đề xuất “không hiểu gì về tiền tệ”
Hôm qua 23.6, VAFI có văn bản phản hồi ý kiến của các chuyên gia phản bác về đề xuất hạ lãi suất tiền gửi về 0% trước đó của mình. Dẫn chứng thành công về giải pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%/năm đề xuất gần 11 năm trước, hiệp hội này tự tin “đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu để xác định con đường mà các nhà hoạch định chính sách phải đi và VAFI tin tưởng rằng sẽ thành công vang dội”.
Thừa nhận đề xuất có vẻ sốc, được đông đảo công luận quan tâm và ngay lập tức có một số chuyên gia, học giả lên tiếng phản đối, VAFI cho rằng các ý kiến phản đối chưa đọc đầy đủ hết văn bản kiến nghị của VAFI. Hiệp hội này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn tiến hành, chúng ta phải ban hành 5 giải pháp, trong đó ban hành luật thuế tài sản để khóa kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết, từ đây mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. “Chỉ cần Chính phủ ban hành các sắc thuế về chống đầu cơ nhà đất nhằm kiểm soát dòng tiền đi vào kênh này thì lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng (NH) thương mại đã dư thừa rất nhiều, tới thời điểm đó không cần can thiệp của NH Nhà nước thì lãi suất huy động đã giảm mạnh rồi”, đại diện VAFI nhấn mạnh.
Hiện tại, dòng tiền chỉ có thể đến từ huy động trong dân với mức lãi suất tương đối và hướng nguồn tiền đó vào sản xuất kinh doanh là khả thi nhất. Nếu giảm lãi suất tiền gửi xuống 0%, người dân không gửi tiền vào NH thì nguồn huy động này cũng coi như mất.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành
|
Trái với sự tự tin của VAFI, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính), khẳng định: Chỉ cần lãi suất tiền gửi thấp hơn lạm phát là dòng tiền lập tức chảy ra khỏi NH. Các nước có lãi suất tiền gửi thấp là do họ ít lạm phát, hoặc mức lạm phát cực thấp. Việt Nam đang trong bối cảnh có nguy cơ lạm phát cao, giảm lãi suất tiền gửi xuống 0% là một “nước đi không giống ai”.
“Hơn nữa, số liệu các nước theo dẫn chứng của VAFI là có lãi suất tiền gửi về 0% là không chính xác. Lãi suất nội tệ khác hoàn toàn ngoại tệ, ngoại tệ có nhiều nước còn không cho gửi, hoặc 0% như Việt Nam, còn nội tệ kỳ hạn ngắn ít nhất dưới 1%. Ngay trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm, 5 năm của các nước này cũng không có mức lãi dưới 1%”, ông Cường chỉ rõ và nói thẳng, đây là một đề xuất “không hiểu gì về tiền tệ”.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng nhận định đề xuất này thiếu cơ sở và không khả thi. Cụ thể, việc so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như của VAFI là khập khiễng vì mức độ rủi ro của VN cao hơn so với đa số các nước trong khu vực. Theo quy luật, rủi ro cao thì lãi suất phải cao hơn để bù đắp cho rủi ro đó. Bên cạnh đó, lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Đơn cử, năm 2020, CPI của Việt Nam là 3,2% trong khi toàn cầu là 2%, Trung Quốc 2,5% và ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan) là 1%. Năm nay, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể lên khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%, Trung Quốc 1,8% và ASEAN-4 khoảng 2%. Chính vì vậy, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào NH, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương, không bị mất tiền một cách vô hình.
Nguy cơ phải vay với lãi suất cao hơn
VAFI kỳ vọng việc đẩy lãi suất huy động về mức 0% sẽ kéo giảm lãi suất cho vay, kích thích hệ thống doanh nghiệp (DN) và thị trường chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng giả sử đưa được lãi suất tiền gửi VND về 0%, trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, thì người dân cũng không mấy mặn mà gửi tiền vào NH vì còn có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Khi đó, hệ thống NH thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Như vậy, thay vì giúp đỡ DN, hệ thống tài chính - tín dụng có thể bị rối loạn và DN thiếu vốn đầu tư kinh doanh, mất nguồn lực để tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động...
“Giả sử người dân không gửi NH mà đổ tiền vào thị trường chứng khoán, như lập luận của VAFI, thì khi đó DN huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Do không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là tín chấp, DN sẽ phải trả lãi suất khá cao (hiện nay lãi suất trái phiếu DN khoảng 10 - 12%/năm, thường cao hơn so với đi vay NH khoảng 1 - 3%/năm). Liệu đây có phải là bài toán huy động vốn hiệu quả cho DN? Chưa kể, nếu DN đó chẳng may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào NH”, ông Lực phân tích.
Đồng tình, PGS-TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định, khẳng định nếu không có điều tiết tốt, việc đột ngột giảm lãi suất huy động về 0% sẽ dẫn tới lạm phát. Việt Nam trong nhiều năm qua, nỗ lực của Chính phủ luôn là kiềm chế lạm phát. Chưa kể, dòng vốn sẽ không chảy vào phục vụ sản xuất, kinh doanh theo đúng kỳ vọng mà sẽ lập tức chuyển hướng sang bất động sản. Thực tế hiện nay, tiền trong dân đang đổ vào bất động sản nhưng chủ yếu mang tính chất đầu cơ. Do đó, hạ lãi suất tiền gửi xuống 0% không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành đánh giá đề xuất của VAFI có thể xuất phát từ việc sốt ruột cho nguồn tiền của DN trong bối cảnh đang dần kiệt quệ vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, do không phù hợp thực tế, điều này vô tình lại gây tác dụng ngược, ảnh hưởng lớn tới sức huy động vốn của DN.
Bình luận (0)