Gượng dậy để sống: “Tui như con cua gãy càng..."

Như Lịch
Như Lịch
06/04/2022 07:35 GMT+7

Vợ mất đột ngột vì Covid-19 , ông Lâm Văn Nguyện (H.Bình Chánh, TP.HCM) chật vật lo toan cho cuộc sống người con gái bị động kinh cùng đứa cháu nhỏ dại.

Ngày chủ nhật, ông Nguyện (58 tuổi, ngụ tại E7/14B đường Nguyễn Hữu Trí, KP.5, TT.Tân Túc, H.Bình Chánh) bận đi chở mấy thùng thức ăn thừa về nuôi cá, không dẫn theo bé L.H.Đ, 11 tuổi, cháu ngoại ông. Khi trở về nhà, ông nghe bé Đ. mếu máo kể bị mẹ chửi và quýnh (đánh). Ông Nguyện than: “Tui đi đâu phải chở con nhỏ này theo, chứ bỏ ở nhà là bị mẹ nó quýnh. Mẹ nó mắc bệnh động kinh, không được bình thường như người ta”.

Bé L.H.Đ

NHƯ LỊCH

Lo cháu ở nhà bị mẹ “quýnh”

Ông Nguyện và bé Đ. ngồi trước hiên nhà trò chuyện với chúng tôi. Gần cửa, một người phụ nữ nằm trên võng, hướng mặt vào trong. “Mẹ con đó!”, bé Đ. khẽ nói với tôi. Rồi bé kể: “Hồi sáng mẹ tỉnh dậy, tự nhiên chửi con một hơi luôn. Mẹ bắt làm cái này cái kia, rồi quýnh con”. Tôi hỏi thăm bé:

- Hồi sáng, mẹ nói con làm những việc gì?

- Mẹ sai con đi quét nhà, lau nhà.

- Rồi con có làm không?

- Dạ, con làm hết! Nhưng mẹ cũng chửi, cũng quýnh.

Bé Đ. ấm ức: “Hồi trước con đang học online, mẹ cũng bắt con đứng lên làm cái này cái kia. Mẹ sai làm gì là phải làm ngay, chậm một chút cũng không được. Có khi mẹ bật đèn, nhưng đổ thừa con bật. Nhiều bữa con tắm rồi, mẹ nói con chưa tắm và bắt đi tắm nữa, con không chịu là bị chửi, bị quýnh. Mẹ hay chửi: Mày đi xuống thằng cha mày mà ở!”...

Ông Nguyện nhìn nhận: “Con nhỏ này bị mẹ nó quýnh thấy bà luôn. Tội nghiệp, nó bị quýnh hổng dám khóc. Trời ơi, có lần mẹ nó cầm con dao phang vô suýt trúng giò con Đ. Tui giận quá, la mẹ nó: Mày phang dao, lỡ có chuyện gì, tiền đâu mà chở đi bệnh viện!”.

Sau một lúc bắt chuyện với chị Lâm Ngọc Sang (mẹ bé Đ., 35 tuổi), tôi ướm hỏi: “Hai mẹ con có hay nói chuyện với nhau không?”. Chị Sang tỉnh rụi: “Có! Mà nó lì thì quýnh nó.

Ông Nguyện xúc động khi chia sẻ hoàn cảnh gia đình

NHƯ LỊCH

Lì lắm! Như hồi nãy kêu tắm mà hổng tắm”. Quanh câu chuyện tắm của bé Đ., chị Sang phàn nàn: “Kêu nó tắm giấc trưa, cái nó kêu tắm rồi, không tắm nữa, thì mình la nó. Nó lì lắm, cứng đầu chứ không phải như mình đâu...”.

Theo ông Nguyện, chị Sang bị bệnh động kinh từ năm 8 tuổi. Ngày nào chị cũng phải uống 2 cữ thuốc, vào buổi sáng và tối. Chị thường căng thẳng thần kinh, đã nhiều lần đi khám và chữa bệnh tâm thần. Mùa nắng nóng, có ngày chị bị giật kinh phong 3 - 4 lần, dù vẫn uống thuốc đều đặn.

Được biết, chị Sang từng có chồng là một thanh niên quê Cà Mau, lên TP.HCM làm công nhân. Sống với nhau một thời gian ngắn, ba bé Đ. bỏ đi biệt tăm khi bé còn trong bụng mẹ. Từ lúc còn đỏ hỏn cho đến năm 11 tuổi, bé Đ. được bà ngoại (vợ của ông Nguyện, đã mất do Covid-19) chăm sóc, nuôi dưỡng. Trừ những lúc đến trường, còn lại bé Đ. luôn đeo bám, gần gũi bà ngoại như hình với bóng.

Thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến, gây nên nhiều nỗi đau thương. Ông Nguyện cho biết vợ ông mất vì Covid-19 vào ngày 24.8.2021, sau 11 ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến ở địa phương. Do tình hình dịch bệnh căng thẳng, hơn 10 ngày sau đó, gia đình mới được nhận hũ cốt của bà.

“Bệnh viện rất gần nhà, vậy mà tụi tui không được vào chăm sóc, không thấy mặt bả những ngày cuối đời. Bả chết đột ngột, cha con tui và bé Đ. hụt hẫng, chới với!”, ông Nguyện giãi bày.

Hằng ngày, ông Nguyện đi chở thức ăn thừa về nuôi cá để mưu sinh

Như Lịch

Gắng gượng từng ngày

Từ khi vợ ông Nguyện qua đời, cuộc sống của cha con ông và nhất là của bé Đ. càng thêm khó khăn. Bé không còn ai như bà ngoại luôn kề cận, chở che trước những cơn nóng giận thất thường từ mẹ ruột.

Nói về tình cảnh hiện tại của mình, ông Nguyện bộc bạch: “Hồi trước, có bả tui đỡ lắm. Bả lo chuyện nhà cửa, ăn uống, nhất là lo cho mẹ con bé Đ. Giờ bả mất rồi, tui như con cua gãy càng, không biết xoay xở ra sao”.

Ông Nguyện cho hay lâu nay ông kiếm sống chủ yếu bằng việc nuôi cá trong ruộng. Hằng ngày, ông chạy chiếc xe máy cà tàng đến các quán ăn, gom đầy mấy thùng cơm canh cặn, bún phở thừa đem về nuôi cá. Ông chia sẻ: “Nhiều khi đi đâu, tui ráng chở con Đ. theo. Nhưng những lúc tui đi gom mấy thùng cơm canh thừa, chở nó theo không tiện. Mà bỏ con nhỏ ở nhà, mẹ nó quýnh thì tội nghiệp...”.

Ông Nguyện bên bàn thờ người vợ

Hiện bé Đ. được học trực tiếp tại trường, nên thời gian quanh quẩn trong nhà giảm so với giai đoạn học trực tuyến. Năm nay 11 tuổi, nhưng bé Đ. mới học lớp 2. Ông Nguyện nhìn nhận: “Bé Đ. hiền, nhát. Nó học chậm, bốn năm học lớp 1, năm nay mới lên lớp 2, thay vì đúng tuổi là học lớp 5”.

Giữa buổi chiều, bé Đ. xuống bếp chiên một quả trứng vịt, rồi thổi phù phù ăn ngon lành. Bé hồn nhiên nói lâu rồi không được ăn món sườn heo “ngon bá cháy” do bà ngoại chiên. Trong khi đó, ông Nguyện cũng xuýt xoa nhắc nhớ các món canh chua, cá kho mà vợ ông hay nấu hồi bà còn sống.

Được biết, khi sức khỏe bình thường, chị Sang nấu cơm cho cả nhà. Tới bữa, ông xúc một tô, cháu một tô, còn chị Sang muốn ăn lúc nào tùy ý. Những hôm chị Sang bị bệnh, ông Nguyện nấu ăn rồi dặn bé Đ.: “Con đói, con ăn trước. Ông ngoại vô ruộng, chiều mới về. Rồi con kêu mẹ uống thuốc, đừng cho đi tới đi lui, kẻo giựt té dưới mương là mẹ của con chết đó”.

Ông Nguyện cho hay ngoài chị Sang, những người con còn lại của ông đã có gia đình riêng hoặc đi làm xa. Mỗi tháng, chị Sang được trợ cấp xã hội là 573.000 đồng và nhận thuốc điều trị miễn phí tại địa phương.

“Giờ chỉ có mình tui lo cho con Đ., chứ bà ngoại nó hổng còn. Mẹ nó khôn khéo như người ta thì tui cũng đỡ được phần nào, đằng này tui còn phải lo cho mẹ nó nữa”, ông Nguyện tâm sự.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.