Gương sáng biên cương: Gia đình lớn ở Hoàng Sa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
20/07/2021 08:31 GMT+7

Sở hữu 3 tàu cá công suất lớn ở Đà Nẵng , 3 cha con ngư dân Nguyễn Văn Hoàng hiện diện quanh năm khắp ngư trường Hoàng Sa để vừa đánh bắt vừa góp phần tăng cường bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

“Núi cao” giữa biển

Phải nhiều lần hẹn, tôi mới có dịp gặp được ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, trú P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà; thuyền trưởng tàu cá ĐNa 91047) tại âu thuyền Thọ Quang. Bởi cứ về bờ vài ngày, ông lại tất bật chuẩn bị để cho tàu trực chỉ Hoàng Sa. Gặp được ông cũng là lúc gặp được 2 con trai ông - chủ nhân của 2 chiếc tàu cá khác đang thả neo cạnh bên. Đó là người con cả Nguyễn Văn Tiến (37 tuổi, thuyền trưởng tàu ĐNa 90758) và con thứ Nguyễn Văn Tiền (32 tuổi, thuyền trưởng chiếc ĐNa 90919, đều có công suất 820 CV). Chuyến biển nào cũng thế, 3 cha con ông Hoàng đều xuất phát cùng lúc và trở về cùng lần.
Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng luôn sát cánh cùng 2 con trai đánh bắt ở vùng biển chủ quyền Hoàng Sa ẢNH: HOÀNG SƠN

Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng luôn sát cánh cùng 2 con trai đánh bắt ở vùng biển chủ quyền Hoàng Sa

ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Hoàng dân gốc Đức Phổ (Quảng Ngãi), quen đời biển giã từ thuở còn niên thiếu. Thời trai tráng ở quê, ông chuyên theo những chuyến tàu đánh bắt ở vùng lộng (gần bờ). Tích cóp mãi, đến khi cùng vợ về quê Đà Nẵng, ông quyết đóng tàu lớn hơn để vươn khơi, bám ngư trường Hoàng Sa. Trên con tàu mà ông Hoàng là thuyền trưởng và các con là thuyền viên, cả gia đình cứ thế rẽ sóng vươn đến hầu khắp các tọa độ ở Hoàng Sa. Năm 2016, anh Nguyễn Văn Tiến ra riêng khi dốc vốn đóng con tàu đầu tiên trong số 3 chiếc tàu cá hiện có của gia đình.
Trên đất liền, chúng tôi mỗi người mỗi tổ, mỗi xóm… Còn trên biển, chúng tôi chỉ có một tổ, đó là Tiến Lên. Chúng tôi là một gia đình lớn ở Hoàng Sa

Thuyền viên Nguyễn Văn Bảy, Đà Nẵng

Là người theo cha bám biển từ khi chỉ mới 11 tuổi, anh Tiến rành rẽ từng vị trí trên ngư trường. Có tàu lớn, anh tự tin hơn, sẵn sàng bám biển dài ngày hơn để đánh bắt, hiện diện thường xuyên ở quần đảo Hoàng Sa. Anh cũng trở thành “người bảo vệ” cho những chuyến biển của 3 cha con. “Kiên trì bám biển với nhiều chuyến ra khơi thắng lợi, tôi bàn với cha và em trai đóng mới tàu lớn hơn để có thể ra khơi dài ngày hơn. Năm 2018, cha và em Nguyễn Văn Tiền cùng lúc đặt ky đóng 2 con tàu cùng công suất 820 CV. Ngày hạ thủy, cả 3 cha con ôm nhau mà rưng rưng”, anh Tiến kể và xúc động: “Vậy là nghề biển không phụ chúng tôi. Với 3 cha con, ngư trường Hoàng Sa chưa bao giờ xa ngái. Nay có tàu to, máy lớn, vùng biển của quê hương thêm gần hơn”.
Bám biển Hoàng Sa nhiều năm qua, 3 con tàu của cha con ông Nguyễn Văn Hoàng được ngư dân địa phương biết đến là đội tàu gia đình có công suất “khủng” đồng đều nhất nhì Đà Nẵng. “Khi nghe người ta ví tàu của 3 cha con như “3 cây chụm lại nên hòn núi cao” giữa biển Hoàng Sa, tạo thế vững chắc để bảo vệ ngư trường truyền thống, tôi tự hào vô cùng”, ngư dân Nguyễn Văn Hoàng trải lòng.

“Một tấc biển không rời”

Thời còn đánh bắt trên chiếc tàu cá nhỏ, 3 cha con ông Hoàng ao ước đóng được con tàu lớn để bám biển Hoàng Sa dài ngày hơn. Bởi vậy, khi được nhà nước hỗ trợ vốn vay, ông đã không ngần ngại động viên con trai cả Nguyễn Văn Tiến đóng tàu vươn khơi. Đi biển 40 năm qua, nhiều tin tức cho biết tàu ngư dân mình bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm va khiến ông rất ấm ức. “Bởi vậy, cha con tôi quyết phải đóng tàu lớn để tự tin hơn. Tàu to, máy lớn rất yên tâm. Đã thế, 3 tàu lại đi cùng nhau nên càng vững chãi hơn, nhất là khi gặp bất trắc, đối mặt tàu Trung Quốc thường xuyên tỏ ra hung hãn”, ông Hoàng lý giải.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến kể, đã nhiều lần anh cùng các tàu cá Đà Nẵng vấp phải sự dồn bức từ các tàu Trung Quốc. Như rạng sáng một ngày giữa tháng 3 vừa qua, khi cả đội tàu đang thả dù trên biển Hoàng Sa để nghỉ ngơi, thì tàu hải cảnh Trung Quốc kéo đến xua đuổi. Các tàu trong tổ nhanh chóng ra tín hiệu hỗ trợ nhau trụ lại vị trí. Tàu Trung Quốc sau 1 tiếng đồng hồ quần đảo, ré còi uy hiếp, đã bất ngờ bật vòi rồng phun vào tàu anh Tiến. “Vì lo chìm tàu, tôi đành phải nổ máy di chuyển. Một tàu khác chạy cạnh để đề phòng bất trắc, nếu chìm tàu thì cứu vớt người. Đến lúc trời sáng hẳn, tôi lại cho tàu trở lại vị trí cũ để tiếp tục đánh bắt”, anh Tiến kể. Có mặt trong lần tàu cá anh trai bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiền nhớ lại: “Chỉ cần các tàu cá giữ chặt vị trí và tương trợ nhau kịp thời thì với số đông các tàu hiện diện trên biển, các tàu Trung Quốc sẽ phải e ngại nếu muốn lấn tới. Tôi đã quen với những tình huống tương tự nên khi xảy ra thì cố gắng bám sát tàu nhau để kịp thời cứu hộ”.
Trong những lần khác vấp phải sự xua đuổi của tàu Trung Quốc, cha con anh Tiến luôn quyết tâm với tinh thần “biển của mình thì mình đánh bắt”. “Chúng tôi một tấc biển cũng không rời”, ông Hoàng giọng chắc nịch.

Tổ đoàn kết tiến lên

Phó chỉ huy quân sự P.Nại Hiên Đông Đỗ Tấn Nhật đánh giá gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng với 3 tàu cá, là điển hình của ngư dân bám biển dài ngày ở ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền. “Quá trình đánh bắt ở Hoàng Sa, các tàu của gia đình ông Hoàng thường xuyên bị tàu Trung Quốc xua đuổi nhưng bằng tinh thần quả cảm, quyết tâm cao, các tàu đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Nhật nói.
Ông Nhật cũng cho hay bởi vững tin bám Hoàng Sa mà gia đình ông Hoàng trở thành tai mắt của lực lượng chức năng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển. Không những thế, 3 tàu cá của gia đình ông Hoàng còn là nòng cốt của Tổ đoàn kết Tiến Lên với 12 tàu công suất lớn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng Lưu Quang Khánh, Tiến Lên là một trong những tổ đoàn kết điển hình trong hoạt động đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Trong quá trình hoạt động ở vùng khơi, 575 tàu cá thuộc 94 tổ đoàn kết Tiến Lên đã cung cấp hàng trăm thông tin có giá trị như: tình hình an ninh trên biển, các vụ việc tàu cá bị tàu nước ngoài xua đuổi, cản trở hoạt động khai thác... Qua đó, các cơ quan chức năng kịp thời theo dõi, nắm tình hình trên biển và điều động lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự và tìm kiếm cứu nạn…
Hằng ngày, trong vai trò dẫn dắt của một tổ trưởng, anh Tiến tổ chức đánh bắt hiệu quả trên ngư trường truyền thống. Thông qua tần số riêng trên ICOM, các tàu cá giữ kết nối để chia sẻ thông tin về vị trí dồi dào hải sản. Hoặc trong những tình huống bất trắc trên biển, Tổ đoàn kết Tiến Lên đã kịp thời tương trợ. Thuyền viên Nguyễn Văn Bảy (47 tuổi) trải lòng: “Trên đất liền, chúng tôi mỗi người mỗi tổ, mỗi xóm… Còn trên biển, chúng tôi chỉ có một tổ, đó là Tiến Lên. Chúng tôi là một gia đình lớn ở Hoàng Sa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.