Gương sáng biên cương: Người vỡ đất nơi biên ải

22/07/2021 07:43 GMT+7

23 năm vác ba lô gia nhập đội thanh niên xung phong đi vỡ đất, khai phá vùng biên, anh Vương Trung Úy coi biên giới là nhà, đồng bào là ruột thịt, góp sức làm đổi thay nhiều bản làng ở vùng biên giới xa xôi.

Khai phá vùng khó

Nước da sạm nắng, anh Vương Trung Úy, Chỉ huy trưởng Làng thanh niên lập nghiệp Tam Hợp (H.Tương Dương, Nghệ An), trông như một nông dân lam lũ. Mới nhìn, dễ nhầm tưởng anh là người Mông. Năm 1998, đang là Bí thư Đoàn xã Hồng Thành (H.Yên Thành, Nghệ An), có người rủ tham gia thanh niên xung phong, anh liền viết đơn xin đi. Lúc đó anh Úy 26 tuổi, đã có vợ.
Anh Úy xách ba lô theo chân những người “tiền bối” lên xã Thanh Đức (H.Thanh Chương, Nghệ An) để nhận việc, xây dựng làng thanh niên. 2 năm sau, anh và 5 người khác được điều động đến thăm dò, khảo sát để xây dựng làng mới ở xã Huồi Tụ (H.Kỳ Sơn, Nghệ An), cách đó gần 200 km theo chủ trương của Tỉnh đoàn Nghệ An. “Khi đó, tôi chưa hình dung được vùng đất đó như thế nào. Chúng tôi đi bằng xe Minsk từ trung tâm huyện, mất 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đến nơi thấy trời mịt mù, tưởng đã tối, đuổi gà vô chuồng gà không vô. Không điện, không nước, 6 người dựng lán bên sườn núi để ở. Mùa đông ở đây lạnh như cắt”, anh Úy nhớ lại.
Thủ lĩnh làng thanh niên Vương Trung Úy Ảnh: K.HOAN

Thủ lĩnh làng thanh niên Vương Trung Úy

ẢNH: K.HOAN

Nhiệm vụ của anh Úy và các thành viên trong đội khi đến Huồi Tụ là khảo sát các loại cây trồng và trồng thử nghiệm để phát triển thành cây hàng hóa. Và họ phát hiện cây chè shan tuyết Hà Giang rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. 3 năm sau kể từ khi bổ nhát cuốc đầu tiên khai phá vùng đất này, Tổng đội thanh niên xung phong 8 đã ra đời với mục tiêu phát triển cây chè shan tuyết để xóa nghèo cho đồng bào. Người dân bản được hướng dẫn kỹ thuật trồng chè, tổng đội thanh niên thu mua và chỉ sau ít năm, diện tích chè shan tuyết đã nhân rộng ra hơn 500 ha. Cây chè này trở thành “cây xóa nghèo” chủ lực cho nhiều gia đình ở xã Huồi Tụ, Mường Lống từ nhiều năm nay.
Năm 2007, anh Úy được điều động đến xã Na Ngoi (H.Kỳ Sơn) để tiếp tục khảo sát lập làng mới. Khu vực khảo sát nằm dưới chân núi Xaipulaileng, gần biên giới. “Anh em đến tìm được vị trí khá bằng phẳng rồi dựng lán ở. Từ lán đến nhà dân cách xa nhiều cây số, phải đi bộ, không thể đi xe máy”, anh Úy kể. Nhiệm vụ của anh và những người đến khai phá vùng đất này là phải tiếp cận người dân để tìm hiểu các loại cây trồng, vật nuôi nhằm mở ra hướng đi thoát nghèo cho bà con.
Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi ra đời, quy tụ được nhiều thanh niên đến dựng nhà, lập nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế bằng cây, con cho đồng bào và các đội viên thanh niên đã được thực hiện và cây gừng hiện trở thành cây kinh tế chủ lực của vùng đất này.

Ruột thịt với đồng bào

Con đường nối từ QL7 vào Tổng đội thanh niên xung phong Tam Hợp gần 30 km nay đã được rải nhựa. Anh Úy kể, hồi năm 2013, khi anh cùng một số anh em vào đây khảo sát để lập làng, đường rất kinh khủng. “30 km phải đi mất gần 3 tiếng. Ban đầu, anh em đến đây dựng lán để ở. Vắt, bọ chó, ruồi vàng nhiều vô kể. Có một số anh em đến hôm trước thì hôm sau bỏ về”, anh Úy nói.
Tổng đội thanh niên Tam Hợp ra đời theo đề án của T.Ư Đoàn với mục tiêu chuyển giao cách thức sản xuất mới cho dân bản và tham gia bảo vệ rừng, an ninh biên giới. Anh Vương Trung Úy được giao làm phó rồi chỉ huy trưởng tổng đội. Dù trước đó đã có 15 năm chinh phục các vùng đất khó ở biên giới để mở làng, nhưng anh Úy nói chưa thấy nơi nào dân nghèo và khó khăn như vùng này. “Chúng tôi đến bản Huồi Sơn được ít ngày thì nhận tin một trẻ em trong bản tử vong. Tôi và anh em đến nhà thăm hỏi, người cha có con nhỏ vừa mất, ủ rũ kể con bị sốt cao, nhà không có tiền để mua thuốc tây và đi bệnh viện, phải để ở nhà đắp lá cây và mời thầy cúng đến đuổi ma. Thế là đứa bé chết”, anh Úy kể. Câu chuyện buồn ấy cứ ám ảnh anh và nó như một mệnh lệnh thôi thúc anh phải làm cho cuộc sống người dân ở đây sớm thay đổi.
Người dân 2 bản Huồi Sơn và Phà Lõm sống ở vùng biên này đều là đồng bào Mông, rất nghèo, sống dựa vào lâm sản trong rừng. Khi anh Úy cùng các đội viên đến đây dựng lán để lập làng, người dân cứ nghĩ “cán bộ” lên chiếm đất của họ. Đã từng sống với đồng bào Mông nhiều năm, biết được cách nghĩ, phong tục và cả tiếng nói của họ nên anh Úy biết phải làm gì. Lãnh đạo tổng đội thuê ô tô, chở những người có uy tín trong bản đi tham quan các làng đã lập và các mô hình kinh tế đã hình thành. Già làng, trưởng bản và những người đứng đầu các dòng họ sau chuyến đi đó mới tin vào những người đến lập làng.
Trong bản có người ốm đau cần hỗ trợ, anh Úy điều động chiếc xe bán tải do Tỉnh đoàn Nghệ An trang bị cho tổng đội, chở người dân đến bệnh viện huyện. Khi gia súc, gia cầm của dân có dịch bệnh, người chỉ huy này cũng sốt ruột huy động người tìm cách dập dịch. Gia đình nào có chuyện vui, buồn, anh đều có mặt. Tổng đội cách xa nhà gần 200 km, vài ba tháng, anh Úy mới về thăm nhà 1 lần. “Tôi tâm niệm để đồng bào tin mình, mình phải sống với họ như anh em ruột thịt, họ cần gì, mình phải tận lòng giúp”, anh Úy chia sẻ.

Cầm cố sổ đỏ gia đình lo đầu ra cho củ nghệ

Một năm sau, kể từ khi những người đi mở làng đặt chân đến, khu đất cheo leo trên sườn đồi được san phẳng, nhà cửa dần mọc lên, những vườn rau, trái cũng được phủ xanh. Con đường trong bản được đổ bê tông, điện lưới được kéo về. Một số thanh niên trong bản xin gia nhập đội viên của làng.
Năm 2015, chè shan tuyết, chanh leo, cây nghệ được đưa đến cho người dân trồng thử nghiệm. Tổng đội cấp giống, hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, cây nghệ được lựa chọn làm cây xóa nghèo cho dân bản. Để tìm được đầu ra ổn định, lâu dài cho cây nghệ, anh Úy đã lặn lội nhiều nơi tìm vốn đầu tư mua các thiết bị tinh chế bột nghệ. Năm 2016, anh về nhà cầm cố sổ đỏ của gia đình vay 500 triệu đồng mua dây chuyền, thiết bị và vốn lưu động để tạo đầu ra cho cây nghệ, đến nay vẫn chưa rút sổ về. Từ số tiền này và 80 triệu đồng hỗ trợ của Sở KH-CN Nghệ An, hệ thống sấy lạnh, chế biến bột nghệ được đầu tư và sản phẩm đã ra thị trường.
Từ 3 năm qua, người dân ở 2 bản vùng biên này đã cung ứng mỗi năm từ 400 - 600 tấn nghệ củ, thu về mỗi năm trên 2 tỉ đồng, nhiều gia đình thu về 50 - 80 triệu đồng. Ông Vừ Chư Lồng, trưởng bản Huồi Sơn, nói trồng nghệ không tốn phân bón, ít phải chăm sóc, thu nhập tốt nên dân rất mừng. “Cán bộ Úy về, bản đã thay đổi nhiều lắm. Dân ta biết trồng lúa nước 2 vụ, trồng nghệ, biết cách chăn nuôi lợn, gà, bò và phòng dịch bệnh. Cán bộ Úy rất quan tâm bà con, bà con gặp khó khăn gì cũng đều nhiệt tình giúp, ai cũng quý”, ông Lồng nói.
Những ngôi nhà mới ở bản Huồi Sơn

Những ngôi nhà mới ở bản Huồi Sơn

Củ nghệ ở đây được kiểm nghiệm có chất curcumin (chống viêm và chống ô xy hóa) cao hơn so với nghệ trồng ở nơi khác, tuy nhiên anh Úy cho biết do mới ra thị trường, đang phải cạnh tranh với sản phẩm nghệ của các cơ sở khác trong tỉnh nên giá bán chưa tương xứng với giá trị của nó. Người thủ lĩnh của tổng đội thanh niên xung phong này trăn trở: “Giá nghệ thu mua của chúng tôi đang cao hơn giá thị trường, nhưng chúng tôi vẫn đang tìm mọi cách đưa giá trị sản phẩm nghệ tăng lên, để nâng giá thu mua nghệ cho dân. Giúp họ được chừng nào mình vui chừng đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.