Lần đầu tiên, 50 gương mặt xuất sắc đại diện cho hàng chục ngàn học sinh THPT của TP.HCM được vinh danh là những điển hình "học sinh 3 tích cực" vào hôm 9-1.
Cùng với chuyến đi thăm các ba má phong trào, các bạn đã có cuộc trò chuyện ngắn với nguyên bí thư Thành đoàn Nguyễn Chơn Trung để hiểu hơn ý nghĩa của ngày 9-1 lịch sử. Các bạn còn đến với những bạn mồ côi, khuyết tật để cùng sẻ chia bài học về tình yêu thương.
Chia sẻ yêu thương
Cảm giác sợ sệt của các bạn khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những thân hình không trọn vẹn của nhiều cảnh đời kém may mắn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật Thị Nghè vụt qua nhanh. Chính nụ cười méo mó của những bạn nhỏ chỉ biết nằm một chỗ ấy đã xóa tan khoảng cách. Bạn Châu Thanh Nhân (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Bình Tân) bộc bạch: "Mình cũng hơi sợ khi vừa nhìn thấy nhưng rồi đến bên cạnh, các bạn nắm tay mình, mình chỉ thấy thương quá sự bất hạnh của các bạn".
|
Giờ ăn, mỗi bạn nhận một phần thức ăn, cẩn thận đút từng muỗng cho các bạn nhỏ ấy. Chưa một lần biết đút ăn cho ai trước đó, vậy mà bạn nào cũng kiên nhẫn hoàn thành nhiệm vụ, các bạn nam khéo léo không kém các bạn nữ.
Bạn Nguyễn Hoàng Việt (THPT Ngô Gia Tự, Q.8) ôm đàn guitar đến từng giường hát những bài hát thiếu nhi để "dụ" các bạn ăn ngon hơn. Bạn Nguyễn Đức Huy (Trường THPT Phú Nhuận) cẩn thận xúc từng muỗng hỗn hợp cơm canh được xay nhão đưa vào miệng cho một bạn nữ, rồi lại cẩn thận lấy khăn lau sạch thức ăn vương vãi. "Trường mình phát động mỗi lớp nuôi heo đất để chuẩn bị đến thăm, tặng quà cho các mái ấm, nhà mở dịp tết này. Mình sẽ giới thiệu với các bạn trung tâm này như là một trong những địa chỉ cần đến" - Huy nói.
|
Trưởng Ban thanh niên trường học Thành đoàn Nguyễn Thanh Đoàn cho biết muốn đưa các bạn đến trung tâm không hẳn chỉ để phát một gói quà hay đút ăn một chén cơm. "Quan trọng hơn, qua chuyến đi ấy, các bạn sẽ truyền lại cho bạn bè mình bài học về sự chia sẻ với cộng đồng, vì có vẻ như nhiều học sinh bây giờ chỉ biết sống cho riêng mình" - anh Đoàn nói.
Xây dựng hình ảnh
Tại tọa đàm xây dựng hình mẫu học sinh TP giai đoạn mới, ông Nguyễn Chơn Trung đã chia sẻ nhiều câu chuyện thời chiến và nhắn nhủ: "Thời nào cũng phải có lòng yêu nước, đó là hình mẫu chung của tuổi trẻ mọi thời". Tiếp lời, bạn Võ Thanh Ngọc (THPT Thủ Đức) cho rằng học sinh hôm nay ngoài lòng yêu nước còn phải có bản lĩnh để hòa nhập mà không bị hòa tan, vì nhiều bạn trẻ hiện nay dễ chạy theo xu thế nước ngoài, làm phai nhạt văn hóa đất nước.
Đồng ý, bạn Giang Nguyễn Thúy Hằng (THPT Quang Trung) nói: "Ngoài sống có lý tưởng, xác định học tập là nhiệm vụ tiên phong, thì có đạo đức phải luôn là tố chất quan trọng đối với một học sinh". Trong khi đó, bạn Hà Văn Sang (THPT Nguyễn Du) băn khoăn liệu có là suy nghĩ đúng khi nhiều bạn học giỏi luôn đau đáu việc tìm kiếm một cơ hội đi nước ngoài. "Tại sao không phải là đóng góp sức mình xây dựng đất nước?" - bạn bức xúc. Theo bạn Sang, hình mẫu ấy phải là góp sức xây dựng đất nước.
Góc nhìn khác, bạn Huỳnh Minh Quang (THPT Lê Hồng Phong) nhận định có chút khác biệt giữa hình mẫu học sinh đấu tranh năm xưa và học sinh thời bình hiện nay. "Trong thời hội nhập và giao lưu văn hóa hiện nay, học sinh cần nhiều yếu tố khác. Đó là tích cực học tập, có đạo đức, phải biết tham gia hoạt động xã hội và học giỏi. Ngoài ra còn phải có khả năng giao tiếp tốt nữa" - Quang phát biểu.
Theo Quốc Linh / Tuổi Trẻ
>> Chia sẻ yêu thương
>> Chia sẻ yêu thương
Bình luận (0)