Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế, xã hội ở TP.HCM chiều 8.6, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo đó, không còn bắt buộc người bệnh phải cách ly, điều trị mà được đi lại tự do. Nhưng việc điều trị bệnh, thuốc men hay chi trả chi phí y tế cho người dân sẽ không còn như cách ứng phó với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Người bệnh phải thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế, tiêm vắc xin.
Ông Tâm cho biết việc hạ cấp Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là đúng thời điểm. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá Covid-19 vẫn là dịch bệnh có tính đặc thù, còn nhiều vấn đề cần đợi Bộ Y tế chính thức hướng dẫn.
Ông Tâm nói thêm, việc đeo khẩu trang giờ đây không còn bị bắt buộc nhưng người dân nên thực hiện tốt 2K (khẩu trang và khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe. Nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, có nguy cơ cao và duy trì thói quen rửa tay, khử khuẩn để tránh các bệnh truyền nhiễm.
"Khi thay đổi cấp độ dịch đối với Covid-19, người dân sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho sức khỏe của mình. Biện pháp phù hợp nhất trong thời điểm này vẫn là tuân thủ 2K. Đây là giải pháp quan trọng để phòng bệnh bởi không chỉ Covid-19 mà nhiều bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc, hô hấp cũng có thể gây nguy hiểm", ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.
Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Sở Y tế nói về dự báo TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Từ đầu năm đến ngày 29.5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc Covid-19, trung bình hằng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc. Cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Ngày 5.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Bình luận (0)