Hạ chuẩn để tuyển giáo viên: Giải pháp cần nhưng chưa đủ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/04/2024 06:06 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng việc hạ chuẩn để có thêm nguồn tuyển giáo viên không giải quyết được tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên ở một số môn hiện nay.

HẠ CHUẨN KHÔNG CÓ NGHĨA NGUỒN TUYỂN SẼ DỒI DÀO

Hà Giang, Yên Bái là những địa phương đang thiếu giáo viên (GV) trầm trọng ở một số môn học mới, đặc biệt là môn tiếng Anh ở cấp tiểu học và phải kêu gọi sự hỗ trợ của các địa phương khác dạy tiếng Anh trực tuyến cho HS từ lớp 3.

Hạ chuẩn để tuyển giáo viên: Giải pháp cần nhưng chưa đủ- Ảnh 1.

Giáo viên biệt phái ở TP.Yên Bái lên H.Mù Cang Chải dạy tiếng Anh do thiếu giáo viên

TUYẾT MAI

Trước đề xuất hạ chuẩn đào tạo GV để có thêm nguồn tuyển cho địa phương, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải (Yên Bái), cho rằng việc này sẽ giúp giải quyết một phần tình trạng thiếu GV trầm trọng hiện nay. Ông Thủy nêu thực tế, hiện nay với môn tiếng Anh, nếu cho phép tuyển GV trình độ CĐ thay vì ĐH thì nguồn tuyển tại chỗ của H.Mù Cang Chải cũng không có. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì các địa bàn lân cận có nguồn tuyển sinh viên tốt nghiệp CĐ sư phạm tiếng Anh nhưng vì chưa đạt chuẩn đào tạo nên không được tuyển dụng.

Tương tự, theo ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc (Hà Giang), tuyển GV tốt nghiệp CĐ thì nguồn tuyển sẽ rộng hơn so với hiện nay nhưng chưa đáp ứng được đủ tất cả. Hiện trên địa bàn H.Mèo Vạc có một số em trình độ CĐ nhưng không được tuyển vì không đạt chuẩn đào tạo trong khi toàn huyện thì đang thiếu GV trầm trọng, nhất là ở cấp tiểu học. Do vậy, nếu hạ chuẩn sẽ có thêm nguồn tuyển chứ không thể tuyển đủ so với số còn thiếu.

Năm 2023, để bổ sung GV cho các trường, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 2 đợt tuyển dụng nhưng số dự tuyển vẫn thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng. Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh này cho rằng do luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ của GV tiểu học là ĐH dẫn đến ứng viên không đủ điều kiện nên đã không dự tuyển.

Nhiều trường học ở Bắc Giang cũng đề nghị, để thu hút được GV về công tác tại tỉnh, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa và để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, Bắc Giang có thể "nới" điều kiện về trình độ đào tạo trong tuyển dụng.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng đề xuất Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ trong 3 năm tới cho phép các tỉnh tuyển dụng dưới chuẩn đào tạo GV những môn học còn thiếu, cụ thể là GV có trình độ CĐ, đang thực hiện học ĐH hoặc cam kết học ĐH ngay sau khi được tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cũng đồng tình đề xuất cho phép tuyển sinh viên tốt nghiệp CĐ để dạy một số môn học còn thiếu trong giai đoạn chuyển tiếp này. Sinh viên được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo, quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng.

PGS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng việc Bộ GD-ĐT đề xuất hạ chuẩn đối với GV tiểu học là giải pháp tình thế bắt buộc ở một số địa phương, chứ không phải là một giải pháp có thể đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt GV trên cả nước hiện nay.

PGS Hà phân tích, luật Giáo dục năm 2019 đã quy định rất rõ chuẩn GV tiểu học phải từ bậc ĐH trở lên. Vì thế đa phần các trường CĐ ở địa phương chỉ còn tuyển sư phạm mầm non. Nếu sắp tới chúng ta tuyển những người có bằng CĐ sư phạm tiểu học chẳng hạn thì chắc chắn ít người đáp ứng được.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đối với những người có bằng CĐ chuyên ngành ngoại ngữ hoặc tin học, hoặc một chuyên môn nào đó muốn học nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018 thì cũng không đáp ứng được yêu cầu để học nghiệp vụ sư phạm.

KHU VỰC THÀNH THỊ KHÓ TUYỂN GIÁO VIÊN KHÔNG PHẢI DO CHUẨN CAO

Theo UBND TP.Hà Nội, biên chế sự nghiệp giáo dục của Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ GD-ĐT quy định là 16.004 người. Năm học 2023 - 2024, TP đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế. Do vậy, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP vẫn thiếu GV, nhất là với các môn học mới trong chương trình GDPT 2018 như tiếng Anh, tin học, công nghệ từng là môn học tự chọn, giờ chuyển thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3.

Hạ chuẩn để tuyển giáo viên: Giải pháp cần nhưng chưa đủ- Ảnh 2.

Ở các thành phố lớn, vẫn thiếu giáo viên các môn như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật

NHẬT THỊNH

Nguồn tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm các môn học này ở Hà Nội không phải là thiếu. Tuy nhiên, họ có nhiều lựa chọn việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, ít áp lực hơn nên đã không chọn làm GV.

Thống kê của Bộ GD-ĐT chỉ ra thực tế: Tổng số sinh viên nhập học hệ ĐH sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) từ năm 2018 - 2023 là 23.484. Như vậy, số lượng sinh viên được đào tạo trình độ ĐH tương đối lớn, tuy nhiên các sinh viên này sau khi tốt nghiệp ít tham gia dự tuyển vào ngành giáo dục để trở thành GV. Bộ GD-ĐT nêu một số nguyên nhân cơ bản khó tuyển dụng đối với GV dạy các môn học này. Ví dụ, sinh viên có trình độ ĐH các môn tin học, ngoại ngữ, công nghệ, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Do đó, mặc dù số lượng sinh viên có trình độ ĐH tương đối lớn nhưng các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng GV.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng giải quyết tình trạng thiếu GV cần nhiều giải pháp khác nhau, việc hạ chuẩn đào tạo chỉ là giải pháp chẳng đặng đừng và không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào giải pháp này.

Bà Triệu Thị Huyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng GV, ưu tiên tuyển dụng thí sinh là con, em đồng bào đang sinh sống trên địa bàn. Riêng các bộ môn mang tính đặc thù có thể cho phép tuyển dụng từ trình độ CĐ trở lên. Tuy nhiên cần tiếp tục đào tạo để những GV này hoàn thiện về trình độ theo quy định trước năm 2030.

Lương thấp, áp lực công việc tăng

"Làn sóng" GV nghỉ việc, chuyển việc trong vài năm gần đây cũng phản ánh sự khó khăn trong việc tuyển dụng, giữ chân GV về cơ bản vẫn là chế độ đãi ngộ của ngành nghề này chưa đáp ứng được mong muốn chứ không phải vấn đề về chuẩn đào tạo.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cũng nêu thực tế, từ năm học 2020 - 2021 đến nay, tình trạng GV nghỉ việc là 184 người và có chiều hướng gia tăng, năm sau gấp đôi năm trước, xảy ra nhiều ở khu công nghiệp. Tình trạng GV, nhân viên hành chính nghỉ việc cộng với tuyển dụng GV khó khăn sẽ dẫn đến nguy cơ không đủ GV đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Theo ông Tạ Việt Hùng, nguyên nhân cơ bản là do hiện nay mức lương của ngành giáo dục là rất thấp so với yêu cầu và áp lực công việc, đặc biệt với GV mới vào nghề, GV hợp đồng. Việc triển khai đổi mới chương trình GDPT khiến công việc của GV ngày càng tăng, một số thầy cô lớn tuổi, sức khỏe không tốt nên cũng muốn nghỉ sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn. Do vậy, theo ông Tạ Việt Hùng, cần thay đổi chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức ngành GD-ĐT để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục thu hẹp khoảng cách với khối doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Theo Bộ GD-ĐT, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng GV không an tâm công tác, một bộ phận GV bỏ việc, chuyển việc; đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm hoặc tốt nghiệp sư phạm cũng không làm GV; địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số GV còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng: "Khi giải quyết được câu chuyện về biên chế, về thu nhập thì tôi tin rất nhiều cá nhân có trình độ phù hợp, có mong muốn được làm việc trong ngành sư phạm sẽ lựa chọn công việc làm GV và tình trạng thiếu GV sẽ giảm đi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.