Đầy ắp thông tin, nhưng dễ hiểu, dễ tra cứu, Vương quốc Hà Lan - những từ khóa làm nên sự thành công và độc đáo của tác giả Phạm Việt Anh như một người hướng đạo đáng tin cậy, dành cho những ai mong muốn khám phá không chỉ về một điểm đến, mà còn về nỗ lực của một dân tộc, tầm nhìn của một quốc gia và chính sách của một đất nước trải qua hành trình lịch sử 500 năm. Tên đất nước này, trong tiếng Hà Lan và tiếng Pháp đều có nghĩa là vùng đất thấp vì có 27% diện tích thấp hơn mặt nước biển.
Vương quốc Hà Lan - những từ khóa làm nên sự thành công và độc đáo giúp độc giả khám phá những sắc màu Hà Lan. Đó là màu trắng của sữa với các loại phô mai và giống bò mang tên "bò đắp chăn" (lakenvelder cow). Đó cũng là màu của những chiếc guốc gỗ (clogs) và cả guốc sứ, được sản xuất không phải để sử dụng, mà đã trở thành hàng lưu niệm đi cùng du khách năm châu… Đó còn là sắc màu của hệ thống bảo tàng có mật độ cao nhất thế giới với đủ loại không gian, quy mô, chủ đề và hình thức tổ chức. Trong đó, bên cạnh Bảo tàng Van Gogh còn có Bảo tàng gốm sứ Royal Delft Blue, và cả bảo tàng cần sa, bảo tàng tình dục, bảo tàng… nghề mại dâm.
Cuốn sách cũng sẽ giải thích từ đâu màu da cam đã làm nên "bộ nhận diện thương hiệu" của Hà Lan: màu áo đội tuyển quốc gia, màu sắc đường phố trong những ngày lễ hội… Mặc dù vậy, quốc kỳ nước này lại có màu đỏ, trắng và xanh da trời.
Dọc ngang là nước
Để tồn tại và phát triển, người dân Hà Lan đã xây dựng hơn 3.000 km đê lớn nhỏ nhằm ngăn nước biển tràn vào đất liền, ngăn nước sông tràn vào ruộng đồng, giữ nước trong các kênh mương để chủ động tưới tiêu, đồng thời giúp dẫn nước thừa chuyển ngược ra sông, biển.
Gắn liền với đê là các đập ngăn nước (dam) để làm nhiệm vụ thủy lợi và giao thông đường thủy. Không phải ngẫu nhiên mà xứ sở này có rất nhiều địa danh gắn với "dam", như Amsterdam (thủ đô - lấy tên từ con đập ngăn sông Amstel), Rotterdam (hải cảng lấy tên từ con đập dựng nên sau trận lụt do nước sông Rotte tràn bờ), và những Edam, Schiedam, Volendam, Zaandam…
Do vậy, không có ở đâu lại có vô vàn kênh rạch như ở đây. Người Hà Lan đã biến hệ thống kênh rạch này vừa là hệ thống giao thông đường thủy, đồng thời cũng là hệ thống phòng thủ. Chẳng hạn, vào thế kỷ XVII, Amsterdam đã là một thương cảng sầm uất nhất Tây Âu. Để bảo vệ thành phố, người dân đã đào 4 hào nước lớn hình vòng cung đồng tâm, vừa quản lý nước, vừa là đường thủy, lại vừa là hàng rào phòng thủ.
Kết quả là khi đến Hà Lan, du khách sẽ bắt gặp gặp cầu bắc qua sông, qua kênh, cầu để đi xe đạp, đi bộ. Lại có loại cầu nước cho tàu bè chạy phía trên, xe cộ chạy phía dưới…
Kinh tế tuần hoàn và những vòng xoay
Người Hà Lan không phát minh ra cối xay gió nhưng những vòng xoay cối xay gió đã thành một thứ biểu tượng cho tài trí của họ. Không chỉ dùng năng lượng gió để xay ngũ cốc, nghiền gia vị, xay bột giấy; cối xay gió ở đây đã được dùng để tát nước trị thủy, vận chuyển nước để sản xuất nông nghiệp; để xẻ gỗ với tốc độ nhanh, đóng nên những con tàu vượt biển đi khắp thế giới, vươn lên ngoạn mục bằng những đội tàu buôn một thời lừng lẫy… Giờ đây, cối xay gió vẫn quay đều để tiếp tục mang lại nguồn lực du lịch.
Người Hà Lan cũng không phát minh ra xe đạp nhưng hiện dẫn đầu châu Âu về sản xuất xe đạp, và là nơi đạp xe tiện lợi và an toàn bậc nhất thế giới. Không chỉ có lối cho xe đạp trong nội ô, Hà Lan có đường cho xe đạp nối liền các làng mạc, thành phố, khu vui chơi, điểm du lịch và những cung đường mà du khách có thể đạp xe khám phá đất nước với những chủ đề khác nhau.
Nhưng, đáng kinh ngạc nhất chính là những gì Hà Lan đã và đang thực hiện cho vòng xoay kinh tế tuần hoàn (circular economy) với quyết tâm đi đầu trong sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm đạt mục tiêu giảm thải khí carbon cao hơn trung bình của châu Âu và thế giới. Họ sống với thói quen tái chế. Hệ thống các cửa hàng đồ cũ (kringloopwinkel) có mặt ở khắp mọi nơi nhằm "hồi sinh" vật dụng sang chủ nhân mới, đã thể hiện đặc sắc ý nghĩa hai mặt của vòng tròn không phải nơi đâu cũng có: vừa là kinh tế tuần hoàn, vừa là "xã hội đùm bọc".
Bình luận (0)