'Hạ long cạn' của Hải Phòng có nguy cơ bị xóa sổ

27/11/2013 08:56 GMT+7

Quần thể núi đá vôi đồ sộ tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, vốn được ví như 'Hạ Long cạn' dự kiến sẽ biến mất sau 50 năm tới bởi hàng chục cơ sở khai thác đá cật lực 'xẻ thịt' mỗi ngày.


Núi đá vôi ở Thuỷ Nguyên đang bị các nhà máy xi măng san phẳng - Ảnh L.Q.P 

Thủy Nguyên là huyện có nhiều núi nhất của Hải Phòng với trữ lượng tới 380 triệu m3 đá vôi, 360 triệu m3 sét. Đá vôi phân bố ở 112 điểm núi tại 8 xã, thị trấn. Trên địa bàn huyện có hơn 30 cơ sở khai thác đá được cấp phép. Đồng thời, theo quy hoạch đến năm 2020, Thủy Nguyên có 6 dự án xi măng, trong đó 5 nhà máy đang hoạt động và 1 nhà máy đang xây dựng ở xã Gia Đức.

Theo ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện có quá nhiều cơ sở khai thác đá khiến nguồn tài nguyên này đang cạn kiệt và ảnh hưởng lớn tới địa chất cũng như đời sống người dân. Nhiều dự án được Bộ cấp phép khai thác, địa phương không có thẩm quyền can thiệp nên rất khó cho công tác quản lý. Trước khi có quyết định triển khai xây mới một số dự án xi măng trên địa bàn, địa phương đã phản đối bởi nhu cầu nguyên liệu được dự báo là quá lớn. Nếu hoạt động trong 50 năm với công suất như hiện nay, 6 dự án xi măng kể trên sẽ cần 500 triệu m3 đá, đồng nghĩa với việc "san bằng" tất cả núi đá ở Thủy Nguyên.

Bên cạnh đó, một số dự án lại quy hoạch cả những di tích lịch sử, văn hóa như khu vực núi Hang Lương ở xã Gia Minh, là nơi giấu và cung cấp lương thực của quân đội nhà Trần trong chiến thắng Bạch Đằng, đồng thời là căn cứ của Thành ủy Hải Phòng trong kháng chiến chống Pháp. Một số hang động có tiềm năng du lịch ở các xã Lưu Kỳ, Liên Khê, Minh Tân, An Sơn cũng nằm trong diện các dự án được quy hoạch.

Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh cho biết, nhiều quả núi nhỏ, ví như những "hòn non bộ" của huyện cũng bị phá để làm nguyên liệu và phụ gia xi măng, trong đó có núi Hang Trúc nằm giữa cánh đồng xã Lưu Kỳ, chỉ có trữ lượng 16.800 m3 và một quả núi khác ở trên cánh đồng xã Minh Đức.

Tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TP khóa XIV, diễn ra tháng 7 vừa qua, ông Lanh cho biết: “Khi cấp phép các dự án xi măng trên địa bàn, gần như mọi ngọn núi ở Thủy Nguyên đều được quy hoạch. Chỗ nào không được quy hoạch thì bổ sung, trước đây không cho phép thì nay Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục đưa vào".

Đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp ở nơi khác, thậm chí từ Hà Nội cũng về Hải Phòng và xuống Thuỷ Nguyên khai thác đá vì đã được cấp phép, ông Lanh nói.

Bùi Hương

>> “Trảm” 9 dự án xi măng
>> Hạn chế đầu tư dự án xi măng ở vùng khó khăn
>> Tuyết rơi tại Hải Phòng
>> “Thiên đường” trên núi đá vôi
>> Cần bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.