TS Lê Thị Minh Lý (Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN) đã dẫn câu chuyện sáng tạo của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để mở đầu phát biểu tại tọa đàm. Theo đó, chương trình trải nghiệm cho học sinh phổ thông ở đây chính là một sản phẩm văn hóa giáo dục thành công. Thành công này càng đáng giá khi Hà Nội vốn có thế mạnh làm sản phẩm văn hóa giáo dục nhưng ít đầu tư cho nó. “Chúng ta cần phải đầu tư cho sản phẩm này, và phải đầu tư đến nơi đến chốn mới thu được lợi nhuận”, TS Lý nói.
Cũng theo bà Lý, Hà Nội có 2 tiềm năng lớn cho phát triển công nghiệp sáng tạo, chính là di sản tư liệu và di sản ký ức. Có thể thấy rõ, những trò chơi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát triển được thế mạnh di sản tư liệu của 82 bia tiến sĩ tại đây.
PGS-TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục) cũng nhắc tới các chương trình giáo dục như một phần của công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội. Theo bà Thơ, cần ban hành chương trình giáo dục địa phương hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế. Giai đoạn tới, theo bà Thơ, Hà Nội cần chuyển đổi, tập trung vào giáo dục với nền tảng là tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế.
“Hà Nội có thể đặt mục tiêu trong một năm học, mỗi học sinh sẽ thiết kế một sản phẩm sáng tạo. Từ đó sẽ tạo ra hệ sinh thái với các dự án học tập, triển lãm, thực hành, kết nối sáng tạo thực sự”, bà Thơ nêu quan điểm.
Tọa đàm có nhiều ý kiến từ các chuyên gia nước ngoài. Đại diện của Hội đồng Anh cho biết theo nghiên cứu gần nhất của Hội đồng Anh, cả nước có 200 trung tâm sáng tạo thì có tới phân nửa là ở Hà Nội. Vị đại diện này nói thêm: “Lễ hội âm nhạc Gió mùa, hòa nhạc của Vietnam Airlines với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng London là 2 thương hiệu văn hóa cho Hà Nội. Chúng tôi cũng hỗ trợ kết nối với các nghệ sĩ lớn ở Anh. Tôi đề nghị nên phát triển mạnh hơn các thương hiệu văn hóa cho Hà Nội như vậy”.
Ông Emmanuel Cerise (Cơ quan Hợp tác Ile-de-France) cho biết Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Paris (Pháp). Theo đó, không nhất thiết phải đặt hết các dự án phát triển công nghiệp sáng tạo ở trung tâm thủ đô mà có thể phát triển công nghiệp văn hóa ở ngoại ô, nơi có nhiều thế mạnh về làng nghề. “Ở Paris, chúng tôi có hệ thống giao thông Grand Paris Express giúp kết nối với các trung tâm sáng tạo và công nghiệp văn hóa xung quanh”, ông Emmanuel nói.
Trong khi đó, đại diện UNESCO tại VN - ông Michel Croft cho rằng thành phố sáng tạo Hà Nội là một câu chuyện mới cho phát triển bền vững. UNESCO đang cùng Hà Nội thực hiện dự án Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho thủ đô sáng tạo Hà Nội. “Đây là cách thành phố trao quyền cho công dân của mình, xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới, và hướng tới một cách tiếp cận bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển”, ông Michel Croft nói. Dự án sẽ tạo nền tảng thúc đẩy sáng kiến văn hóa của thanh niên, cũng như thu hút đối tác nước ngoài.
Bình luận (0)