Cần cú hích chính sách cho công nghiệp sáng tạo Hà Nội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/06/2021 05:58 GMT+7

Hà Nội đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và có nhiều không gian sáng tạo nhưng tất cả vẫn đang cần cú hích từ chính sách.

Một tưởng tượng khác về Hà Nội

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, đã làm nhanh một khảo sát bỏ túi trên Facebook. Theo đó, có đến 68% người tham gia khảo sát chưa hề biết Hà Nội là thành phố sáng tạo của UNESCO. “Đã 2 năm, Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo, nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia tiến trình vận động quan tâm. Không hiếm người đặt câu hỏi vì sao Hà Nội được chọn. Ngay cả công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng”, ông Vinh cho biết tại tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045. Tọa đàm do Thành ủy Hà Nội chủ trì tổ chức ngày 10.6.
Ông Vinh cũng cho biết 83% người được hỏi tin rằng Hà Nội mạnh về du lịch văn hóa, 61% chọn mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, 61% chọn kiến trúc, 52% chọn thủ công mỹ nghệ, 46% chọn nghệ thuật biểu diễn. Nó cho thấy sự khác biệt rất rõ rệt về nhận thức bản sắc của Hà Nội. Đồng thời, nó cũng cho thấy cần phải làm đậm thêm ý tưởng thương hiệu Hà Nội - thành phố sáng tạo về thiết kế.
Điều thú vị, theo ông Vinh là có những đề xuất cho hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo. Theo đó, Hà Nội - thành phố sáng tạo là nơi hiện diện của các không gian sáng tạo với tỷ lệ tới 84%. Việc bảo tồn khu phố cổ (71%) cũng được cho là xây dựng hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo. Ngoài ra còn có các đề xuất xây dựng hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo như: thành phố ít ô nhiễm môi trường (70,1%), nhiều công trình văn hóa công cộng (67,7%), sự hiện diện của nghệ thuật đường phố (60,5%), thành phố được thiết kế nghệ thuật (56,3%). “Quả thực, nếu nhìn thấy ở Hà Nội những cái này thì lập tức chúng ta có cảm giác đây là thành phố sáng tạo ngay”, ông Vinh nói.
Trên thực tế, Hà Nội là nơi có mạng lưới các không gian sáng tạo dày đặc và liên kết mạnh mẽ. Còn nhớ, tại cuộc tọa đàm thuộc khuôn khổ Tuần lễ văn hóa sáng tạo Hải Phòng tháng 5 vừa qua, nhiều diễn giả đã nhắc tới ưu thế về không gian sáng tạo của thủ đô. Theo đó, Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo được xây dựng từ nhiều năm với sự hỗ trợ của nhiều trung tâm văn hóa và quỹ văn hóa nước ngoài, kèm theo đó là khán giả cũng đã rất quen với các hoạt động sáng tạo này.

Hòa nhạc quốc tế tại không gian sáng tạo Complex 01, nơi từng là nhà máy cũ

Ảnh: Vì một Hà Nội đáng sống

Thương hiệu văn hóa sáng tạo

Ông Nguyễn Thế Sơn, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, nhắc tới những không gian sáng tạo khác mà nhóm ông đã thực hiện. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân 2020 đã biến khu vực bờ bãi sông Hồng ô nhiễm tối tăm thành nơi có tác phẩm sắp đặt ngoài trời chạy suốt 500 m dài. Đình Nam Hương trên phố Hàng Trống đã trở thành nơi giới thiệu nghệ thuật đương đại từ truyền thống...
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, Hà Nội còn thiếu những không gian văn hóa mang tính tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng. Sự thiếu thốn này do các không gian văn hóa của ta thiếu tính quy hoạch để chào đón công chúng và trở thành không gian của cộng đồng. Chẳng hạn, phố đi bộ Hồ Gươm sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa với những hoạt động thực sự hữu ích cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nếu không có những dịch vụ biến nó trở thành sân đua xe điện của trẻ em.
Trong khi đó, ông Lê Thế Bình, người khởi xướng dự án Vì một Hà Nội đáng sống, cho biết ông khao khát biến các nhà máy cũ thành không gian văn hóa sáng tạo. Trên thực tế, dự án Vì một Hà Nội đáng sống của ông từng tổ chức hòa nhạc cộng đồng tại không gian Complex 01 trên phố Tây Sơn, Hà Nội. Trước đó, đây là không gian của Nhà máy in Công đoàn. “Nhà cần móng và ngành công nghiệp cần cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp văn hóa chính là các không gian sáng tạo”, ông Bình cho biết.
Cũng theo nhóm Vì một Hà Nội đáng sống, hiện trạng các không gian sáng tạo ở Hà Nội đang nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được kỳ vọng phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội cũng như phục vụ đời sống. Nhóm đề xuất việc chuyển nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo của Hà Nội. Để làm điều đó, nhóm cũng đề xuất tiến hành rà soát đánh giá tổng thể hơn 100 nhà máy cũ ở thủ đô theo các tiêu chí và tính phù hợp cho việc chuyển đổi thành các không gian văn hóa sáng tạo khác nhau với các mô hình quản lý khác nhau. Sự thay đổi này, thực sự chỉ có thể đến từ cú hích chính sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.