Hà Nội càng chống... càng ùn tắc

Mai Hà
Mai Hà
21/09/2022 07:26 GMT+7

Nhiều giải pháp tổ chức giao thông đã được Sở GTVT Hà Nội thực hiện gần đây song ùn tắc vẫn ngày càng gia tăng trên nhiều tuyến đường.

Vật vã vì tắc

7 giờ kém 10 mỗi ngày, anh Bùi Ngọc Hân đưa con gái từ nhà khu Văn Quán (Q.Hà Đông) đến trường tiểu học tại P.Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân). “Dù nhà cách trường chỉ 3 km, nếu đường thoáng có lẽ chỉ đi hết 10 phút xe máy, nhưng ngày nào tôi cũng phải đưa con đi trước cả tiếng. Chỉ cần đi sau 7 giờ, xe cộ đã thành mớ hỗn độn trên đường, nhất là ngày nào mưa thì thảm họa về tắc. Biết là sai luật, không an toàn nhưng có hôm tôi phải đi lên vỉa hè hoặc đi trái đường một đoạn”, anh Hân chia sẻ.

Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi giờ cao điểm mỗi ngày

Ngọc Thắng

Đưa con gái đến trường sớm, anh Hân tiếp tục phải vật lộn trên trục Nguyễn Trãi khi phải nhích từng chút centimet giữa khói bụi ống xả hàng dài xe máy, ô tô xung quanh, vượt qua những “điểm đen” giao cắt đoạn qua Triều Khúc, cầu vượt Ngã Tư Sở... Dù tuyến đường này đã phân làn riêng cho ô tô, xe máy nhưng giao thông giờ cao điểm sáng vẫn hỗn loạn khi các phương tiện đi vào làn của nhau theo kiểu “điền vào chỗ trống”.

Mỗi ngày đưa con đi học, đi làm của anh Hân và rất nhiều người khác tại Hà Nội được xem là sự thử thách lòng kiên nhẫn về khả năng chịu đựng ùn tắc, tiếng còi xe và những cú tạt đầu lấn làn.

Diện mạo hầm chui 700 tỉ sắp hoàn thiện ở Hà Nội

Không riêng ở các trục chính phía tây như Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Cầu Giấy - Xuân Thuỷ - Hồ Tùng Mậu,... người dân sống gần khu vực các cầu như Chương Dương, Vĩnh Tuy cũng khốn khổ với ùn tắc mỗi ngày.

Anh Việt Hùng (ở P.Ngô Gia Tự, Q.Long Biên) cho biết, cầu Chương Dương là tuyến huyết mạch nối toàn bộ khu vực bên kia sông của Q.Long Biên với nội thành nên luôn tắc cứng giờ cao điểm sáng và chiều. Dù có lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và lực lượng dân phòng điều tiết, hướng dẫn phân làn giao thông nhưng cũng rất khó kiểm soát trước lượng xe dồn tập trung quá đông vào một khoảng thời gian.

Gần đây, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức giao thông các nút giao như nút Tố Hữu - Mỗ Lao hay phân làn đường Nguyễn Trãi, song các giải pháp tình thế này không thấm vào đâu và ùn tắc ngày càng nặng nề hơn. Báo cáo tháng 8.2022 của Sở GTVT Hà Nội cho biết, mới xử lý được 3 điểm nóng ùn tắc trên tổng số 35 điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố.

Nguyên nhân ùn tắc được Sở này lý giải do sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội được khôi phục sau thời kỳ dịch Covid-19, khiến lượng người đổ ra đường tăng cao hơn nhiều so với khi dịch còn phức tạp.

Hạn chế phương tiện cá nhân: vẫn phải chờ

Trên thực tế, với tốc độ gia tăng phương tiện chóng mặt trong khi hạ tầng lại ì ạch chạy theo sau như hiện nay, rất khó giải quyết bài toán căn cơ ùn tắc. Theo Sở GTVT, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1 - 2 - 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh; vành đai 4 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ so với dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Theo số liệu của Phòng CSGT Công an Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đăng ký mới hơn 41.400 ô tô, trên 101.000 xe máy và 3.047 xe máy điện, nâng tổng số phương tiện toàn thành phố lên 7,6 triệu. Trong đó có trên 1 triệu ô tô, khoảng 6,4 triệu xe máy và 178.203 xe máy điện. Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục tăng từng ngày như hiện nay, không một cơ sở hạ tầng nào có thể đáp ứng được áp lực do xe cá nhân mang lại.

Đáng nói, các đề án hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội tới thời điểm này vẫn đang “treo”. Trước đó, theo Nghị quyết 04 về chống ùn tắc, hạn chế phương tiện cá nhân của HĐND TP.Hà Nội từ năm 2017, Sở GTVT được giao xây dựng 2 đề án phân vùng hoạt động xe máy và thu phí phương tiện ô tô vào nội đô.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên vì sao sau nhiều năm nghiên cứu, tới nay 2 đề án này vẫn chưa được báo cáo UBND và HĐND thành phố, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết “do đây là 2 đề án phức tạp”. Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, 2 đề án này tác động sâu rộng tới người dân thủ đô và các tỉnh khác đến và tham gia giao thông trên địa bàn.

Vì thế, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, đang tập hợp để hoàn thiện các nội dung đề án. Sở sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân để hoàn thiện đề án, báo cáo UBND thành phố. Tuy nhiên, thời điểm nào sẽ có báo cáo cụ thể ông Bảo không cho biết.

Về lâu dài, Hà Nội cho biết đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân. Song trước mắt, người dân Hà Nội có lẽ vẫn sẽ phải nhẫn nại thử thách sự chịu đựng với cảnh ùn tắc mỗi sáng sớm và chiều về.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.