Hà Nội có hơn 1.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/03/2023 11:57 GMT+7

Do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao... nên tại Hà Nội đã có 1.030 giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác.

Trong báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội gửi đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã nhắc đến tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc do áp lực công việc và chế độ tiền lương.

Hà Nội: Hơn 1.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc - Ảnh 1.

Trước tình trạng giáo viên nghỉ việc, Hà Nội đề nghị cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo (ảnh minh họa)

MN B.T

Bên cạnh những thuận lợi, báo cáo chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: quy hoạch mạng lưới trường học còn bất cập do tình trạng dân số tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị được xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.

Biên chế được giao giảm 10%, do đó không đáp ứng được định mức giáo viên theo quy định của Bộ GD-ĐT nên khi tăng học sinh, tăng lớp, tăng trường dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó còn có tình trạng thừa giáo viên cục bộ  ở khối THPT do học sinh được lựa chọn môn học.

Biên chế giao cho các trường khối giáo dục thấp hơn so với biên chế định mức của ngành giáo dục. Ví dụ, các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... biên chế được giao chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu giáo viên cần để giảng dạy. 

Để tháo gỡ khó khăn, TP.Hà Nội đã giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường tự chủ một phần chi thường xuyên. Tuy nhiên, do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao, do nhu cầu cá nhân... nên có khoảng 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác. Cụ thể, năm 2021 nghỉ 472 giáo viên; năm 2022 nghỉ 558 giáo viên

Việc tuyển giáo viên đối với các môn tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ ở cấp THCS) còn gặp khó khăn do việc xác định số lượng cụ thể của từng bộ môn trong môn học đó; đối với môn tin học, ngoại ngữ (tiểu học), đặc biệt môn tin học do chế độ đãi ngộ thấp nên không thu hút được sinh viên sau tốt nghiệp nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên được tuyển dụng ít, không đủ theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng đề ra ở hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng giáo viên sẽ thừa, thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn sẽ thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu trầm trọng. Việc đưa môn nghệ thuật vào chương trình cấp THPT... cũng đòi hỏi bổ sung giáo viên. 

Chương trình mới có nội dung giáo dục địa phương (1 tiết/tuần); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (3 tiết/tuần) đối với lớp 6, 7, 10 nhưng biên chế phân bổ chưa tính tới đội ngũ giáo viên dạy những môn này, phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm...

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.