Con rể bệnh nhân 867 là ca nghi nhiễm
Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 12.8 dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý (tiếp nhận việc chỉ đạo chống dịch của Hà Nội sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, bị tạm đình chỉ công tác), Chủ tịch UBND H.Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, hiện huyện đã điều tra sơ bộ diện tiếp xúc với bệnh nhân 867 (trú tại H.Bình Giang, Hải Dương).
Theo đó, bệnh nhân 867 trú tại nhà con gái, đồng thời là quán bia Lộc Vừng (CT3.13 Khu đấu giá 4H-5H, xã Tứ Hiệp, H.Thanh Trì) là căn nhà 2 tầng, diện tích sử dụng 120 m2/tầng. Nhà hàng đã đóng cửa từ ngày 10.8. Bệnh nhân và 4 người nhà con gái ngủ cùng trong một phòng ngủ diện tích 30 m2, sử dụng điều hòa thường xuyên.
Bệnh nhân được xét nghiệm PCR 4 lần, trong đó có 2 lần dương tính.
Theo ông Cường, bệnh nhân không đến Đà Nẵng hoặc bất cứ khu vực có dịch nào khác, không rõ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm là ai, ở đâu. "Nhiều khả năng bệnh nhân lây nhiễm khi còn ở Hải Dương, vì triệu chứng đã có trước khi bệnh nhân lên Hà Nội", theo ông Cường.
Cũng ông Cường cho biết, hiện đã xác định thêm 1 ca nghi mắc là con rể bệnh nhân, tên là Đ.V.L, là người đi cùng bệnh nhân từ Hải Dương lên Hà Nội, cũng trú tại quán bia Lộc Vừng trong những ngày ở đây. Trường hợp này đã được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội).
Huyện đã xác định được 14 F1, 89 F2 liên quan đến bệnh nhân này.
Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) Trương Quang Việt, bệnh nhân 867 có lịch trình ở, đi lại, khám bệnh rất phức tạp, nên không xác định được thời điểm nhiễm của bệnh nhân.
Tính đến xét nghiệm diện rộng có chỉ định vì có 2 ca không rõ nguồn lây
Có mặt tại cuộc họp, PGS - TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cũng cho rằng với sự xuất hiện của bệnh nhân 867 và việc cô Đ.T.A được phát hiện dương tính khi bay từ Nội Bài sang Nhật, cho thấy Hà Nội phải lưu ý xem có xét nghiệm ca mắc ở cộng đồng tại Hà Nội hay không, vì Đà Nẵng, Hà Nội, hay TP.HCM nguy cơ giống nhau.
"Ca Hải Dương (bệnh nhân 867 - PV) chưa biết lây ở đâu, lây ở Hà Nội hay Hải Dương. Nếu lây ở Hải Dương thì Hà Nội đỡ lo. Nếu lây ở Hà Nội thì Hà Nôi rất đáng lo. Bắt được ca lây bệnh này rồi cũng chưa chắc là F0, mà càng bị nhiều chu kỳ dịch thì tính số ca lây nhiễm ở cộng đồng càng lớn. Nếu ca đó mà lây ở Hà Nội thì phải đặt vấn đề nên phải kiểm tra các yếu tố dịch tễ khác, không nói tìm ra F0, nhưng phải tìm ra yếu tố lây nhiễm khác ở Hà Nội có chưa", ông Phu đặt vấn đề.
Theo ông Phu, Hà Nội phải tính đến việc xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định và ngành y tế phải tham mưu cho UBND thành phố, có kế hoạch hẳn hoi.
"Không chỉ xét nghiệm F1 mà các trường hợp sốt, ho là ta chỉ định. Ví dụ, ca vào Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn là những ca chỉ điểm, ta không phát hiện là ca đó qua đi, mà ụp một phát như Đà Nẵng là một vấn đề. Phải rất rõ chuyện này", ông Phu cảnh báo.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho biết, hiện Hà Nội rất "quan tâm" đến 2 ca bệnh này để có ứng phó phù hợp.
Bình luận (0)