Hà Nội của những niềm mong mỏi…

06/02/2021 06:31 GMT+7

Những người già quanh xứ mình vẫn thường vuốt râu “ước gì được ra Hà Nội một lần”.

Mơ ước

Đến bây giờ vẫn không nghĩ mình có nhiều cơ hội trở lại Hà Nội đến vậy. Ở nơi “ngại đi” như cái xứ của mình, Hà Nội là một cái gì đó xa vời lắm. Những người già quanh xứ mình vẫn thường vuốt râu “ước gì được ra Hà Nội một lần”. Để đến tận lúc rời xa cuộc đời này, họ vẫn không hề bước ra khỏi xóm nhỏ chập chờn khói. Cho nên mỗi chuyến đi Hà Nội, mình như mang cả ước mơ của những người dân xứ mình. Họ miệt mài ngồi nghe mình kể về Hà Nội, ánh mắt như nuốt từng lời một làm mình thấy xốn xang…
Mình nhớ lần đầu ra Hà Nội, bạn nhắn “ở ngoài này đang mưa”. Mình với bạn ngồi trong quán cà phê nhìn cơn mưa đêm rả rích. Bạn từng kể mình nghe về phố đi bộ chật ních người, về hồ Gươm lung linh về đêm. Bạn nhìn mình cười “lần sau ra tớ sẽ dắt cậu đi”. Mình lắc đầu “biết có lần sau không”. Bạn che ô cùng mình đi dạo hồ Gươm, đi qua những con đường mà mình chỉ có thể biết qua lời bạn kể. Mọi người bên đường nhìn hai đứa lắc đầu còn mình thì cười không ngớt.
Bạn run cầm cập, tay chân lạnh cóng nhưng vẫn cười hề hề lúc mình đòi ăn thử kem Tràng Tiền. Mình xoa tay vào nhau, mắt không ngừng ngắm thủ đô về đêm. Bạn lại dắt mình đi ăn thử món bún chả nức tiếng Hà thành. Quán chật, mình và bạn co ro trong một góc, cô chủ quán cười hiền “sao mà để ướt thế cháu?”. Cô chủ quán bùi ngùi lúc nghe bạn kể chuyện… đi mưa.
Cơn gió đêm rời rạc thổi qua, mình chia tay bạn leo lên chiếc xe về nhà khách. Bạn nhắc mình về ngủ sớm để sáng mai xem lễ Thượng cờ. Mình khẽ gật đầu mà môi mắt rưng rưng, thương bạn ướt sũng đi về giữa mùa đông rét mướt. Đêm Hà Nội nằm nghe tiếng mưa rơi, nhìn đường vắng vẻ với ánh đèn hiu hắt. Giây phút đó, mình thấy bình yên đến lạ.
Cái lạnh buổi sớm đầu đông đâu có làm mình chùn bước, mình đứng nghiêm trang lúc mọi người làm lễ Thượng cờ, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió ở quảng trường Ba Đình lịch sử. Chợt thấy khóe mắt mình cay cay, cái xóm nhỏ chập chờn khói cứ hiện về trong đáy mắt. Bạn vỗ vai mình, khi đoàn tiêu binh rời đi. Hôm đó lăng không mở cửa, niềm mong mỏi lớn nhất khi đến Hà Nội của mình vụt tắt. Bạn nhìn mình cười “vậy mới có cái cớ để trở lại nữa”.

Phố cổ, nhà trọ xưa

Bạn dắt mình đi qua những con phố cổ Hà Nội, nét rêu phong thời gian thoắt ẩn thoắt hiện như níu lòng người ở lại. Ngồi lại ở quán nhỏ ven đường với cốc nước vối lần đầu tiên mình được uống. Cô chủ quán phe phẩy quạt, hai người đàn ông ngồi đánh cờ bên cốc chè xanh nghêu ngao câu chuyện cũ. Mình mê đắm nhìn ông già đội mũ cối rít thuốc lào, ông già nhìn mình cười “làm một hơi không”. Những chiếc xe đạp chở hoa dịu dàng trên phố như neo vào lòng người một hoài niệm bâng khuâng. Xe hoa khuất dần trong lòng đường chật ních mà mình cứ nhìn theo mãi, mùi hương vẫn còn ở lại nơi này như chưa thể rời đi.
Bạn chỉ mình căn nhà trọ ngày xưa, nơi có bà chủ trọ tốt bụng nhất Hà Nội với nồi canh cá còn dang dở. Lúc đó mình thấy mắt bạn đỏ ngầu mà mình thì không dám khóc. Bạn nói, ở đây đâu đâu cũng là ký ức. Từng buổi tối ngồi quay quần bên nhau, kể cho nhau những chuyện buồn vui lúc xa nhà. Và cái vị ngọt lừ của bát canh, bát cháo vẫn luôn theo chân bạn đi suốt cuộc đời. Bạn cúi đầu chào tạm biệt dãy nhà trọ, giọt nước ấm nóng rớt xuống lòng đường. Để lúc rời đi, mình cứ ngoái đầu nhìn lại.
Hà Nội của những lần trở lại vẫn vẹn nguyên như giây phút ban đầu. Có chút gì vừa xa lạ lại vừa thân quen. Mỗi chuyến đi về, những người trong xóm lại háo hức chuyện ở thủ đô. Đám trẻ trong xóm lại nuôi giấc mơ được một lần đặt chân đến như mình. Nghĩ, Hà Nội không chỉ là một điểm đến du lịch mà nó còn mang cả ước mơ của những người con miền Nam muốn được một lần ra thăm lăng Bác. Mình đã đi chậm nhất có thể khi vào viếng Bác, để lúc trở ra, mình lại đứng xếp hàng hòa vào dòng người vào viếng Bác lần thứ hai. Mình nhìn bạn cười “về quê tha hồ kể cho mọi người nghe”.
Và không biết tự lúc nào những góc phố Hà Nội lại trở thành một phần ký ức không thể nào quên với mình. Ở nơi đó, mình từng gửi lại cả những giấc mơ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.