Theo Chương trình 04 về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành, Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chi đô thị, nhất là đưa 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng lên quận trong giai đoạn 2021 - 2025 và các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh lên quận vào giai đoạn 2026 - 2030.
Ngoài ra, một số mục tiêu khác được Hà Nội đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là sẽ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5 - 3%, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) trở lên. Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch...
Trong giai đoạn này, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 - 60%.
Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh (smartphone) đạt 95% trở lên; tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.
Liên quan đến việc Hà Nội có các quận mới, được biết, hôm 20.4, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận do Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh làm trưởng ban. H.Hoài Đức đã được định hướng lên quận từ năm 2020, nhưng do chưa đạt các tiêu chí, nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022.
Hồi tháng 10.2019, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt các quyết định ban hành Đề án đầu tư xây dựng các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng thành quận đến năm 2025.
Theo đó, H.Đông Anh hướng đến phát triển bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.
H.Thanh Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ; phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.
H.Gia Lâm tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng. Theo đề án, chậm nhất vào năm 2022, H.Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.
H.Đan Phượng đặt mục tiêu trong tương lai phát triển theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
Theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chí của thành phố trực thuộc T.Ư là phải có tỷ lệ quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên, nghĩa là Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên, nhưng hiện mới có 12 quận (do việc sáp nhập Hà Tây và H.Mê Linh của Vĩnh Phúc khiến Hà Nội có thêm 14 huyện, thị).
Nếu theo đúng kế hoạch, đến 2025, Hà Nội có thêm 5 quận mới, thì Hà Nội cũng chưa đạt tiêu chí thành phố trực thuộc T.Ư theo quy định của Nghị quyết này.
Bình luận (0)