Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều nay, 22.2, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội đã rà soát được 51.595 người về từ vùng dịch (12 địa phương đã được Bộ Y tế công bố, trong đó chủ yếu là Hải Dương), đã lấy 49.637 mẫu, trong đó 41.180 mẫu cho kết quả, tất cả đều âm tính.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xét nghiệm 18 địa điểm có liên quan đến ca mắc Covid-19 với tổng số 17.528 xét nghiệm và tất cả đều âm tính.
Hà Nội đã xét nghiệm cho 12.302 người làm việc tại sân bay Nội Bài, tất cả cũng đã âm tính.
"Từ 27.1 đến nay, chúng ta đã làm 80.000 - 90.000 mẫu xét nghiệm, một số lượng rất lớn. Từ 16.2 đến nay, đã 7 ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng", ông Hạnh cho biết, và đánh giá đây là những tín hiệu vui trong chống dịch của thành phố, tuy nguy cơ vẫn còn.
Cũng theo ông Hạnh, Hà Nội đã đề xuất số lượng vắc xin lên Bộ Y tế, và số lượng là khoảng 15 triệu liều.
"Nếu tính chung dân số Hà Nội và cả những người ngoại tỉnh đang cư trú tại đây thì ước tính Hà Nội cần 15 triệu liều vắc xin để có thể tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 95%", ông Hạnh nói.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ hôm 15.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, trong cuối tháng này, nếu các chuyến bay sắp xếp tốt, kịp thời và các thủ tục xong xuôi, Việt Nam sẽ có khoảng 4,88 triệu liều vắc xin miễn phí từ chương trình Covax và 117.000 liều nhập khẩu; tức là có khoảng 5 triệu liều.
Sau 3 tháng sẽ có thêm 5 triệu liều khác để tiêm mũi thứ 2.
Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ 2 phương án tiêm vắc xin: thứ nhất là tiêm cho hơn 2 triệu người thuộc diện đối tượng ưu tiên như y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ ở tuyến đầu trước; thứ 2 là tiêm rộng rãi cho khoảng 5,7 triệu người.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin trong năm nay để tiêm cho những người dân được chỉ định. Do đó, trong tuần này, Bộ Y tế vẫn tiếp tục đàm phán mua vắc xin với các đối tác Nga và Mỹ.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho nhập khẩu vắc xin, Việt Nam đã đầu tư 3 kho lạnh âm sâu (-40 đến -86 độ C) tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
Để tránh trở thành "vùng trũng" do tiếp cận được vắc xin muộn, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo nhập khẩu song song với thúc đẩy nghiên cứu vắc xin trong nước. Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Y tế thực hiện điều 26 luật Đấu thầu - “lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”, trong việc đàm phán mua vắc xin.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã đồng ý cơ chế để các địa phương, doanh nghiệp cho thể nhập vắc xin có kiểm soát (phải báo cáo Chính phủ và được phê duyệt) để "chia lửa" với Chính phủ trong công việc này.
Bình luận (0)