Hà Nội đứng số 1 thế giới về ô nhiễm không khí sáng nay

02/02/2024 10:19 GMT+7

Với chỉ số AQI trung bình 257 đơn vị lúc 9 giờ sáng nay 2.2, thủ đô Hà Nội là địa điểm đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Từ đầu tháng 11.2023 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi.

Hà Nội đứng số 1 thế giới về ô nhiễm không khí sáng nay- Ảnh 1.

Chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 200 đơn vị sáng nay 2.2

CHỤP MÀN HÌNH

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam - PV), lúc 9 giờ 30 sáng nay 2.2, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 200 đơn vị, mức rất xấu, cảnh báo nguy hiểm tới sức khỏe.

Phố cổ Hà Nội chìm trong sương mù, người dân ‘nhìn không thấy mặt nhau’

Nơi có chất lượng không khí xấu nhất là P.Trung Hòa (Q.Cầu Giấy), với chỉ số AQI 320 đơn vị, chất lượng không khí nguy hại ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mọi người.

Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 257 đơn vị.

Hà Nội đứng số 1 thế giới về ô nhiễm không khí sáng nay- Ảnh 2.

Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 257 đơn vị

CHỤP MÀN HÌNH

IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 39,2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các khuyến nghị về sức khỏe được đưa ra bao gồm đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, các nhóm nhạy cảm nên giảm tập thể dục ngoài trời, đeo khẩu trang khi ra đường, sử dụng máy lọc không khí hỗ trợ.

Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300) như sau:

Tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Cạnh đó, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm, tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.