Cảm hứng sống:

Hà Nội, một chuyến đi vội…

08/12/2023 09:30 GMT+7

Khi tôi xuống sân bay Nội Bài, trời lạnh và có mưa rỉ rả. Dù đã được báo trước, nhưng cái lạnh của Hà Nội khiến tôi khá bất ngờ.

- Trời Hà Nội lạnh lâu chưa em?

- Mới từ tối qua thôi anh ạ!

- Ở đây mùa đông bắt đầu rồi à?

- Cũng bắt đầu rồi anh ạ, nhưng vài năm trở lại đây bất thường lắm…

- Bất thường là sao?

- Độ dài ngắn vô chừng, thời khắc cũng không còn theo chu kỳ nữa anh ạ. Có khi đang nóng vã người rồi tự nhiên lạnh rất lạ kỳ...

Hà Nội, một chuyến đi vội… - Ảnh 1.

Thu Hà Nội

Hai Le Cao

Tôi lặng im, người taxi thấy thế cũng im lặng theo. Phía trước, bụi mưa từ những chiếc xe tải bắn lên mù mịt. Bất chợt tôi liên tưởng tới những lời cảnh báo của các nhà khoa học về biến đổi khí hậu dồn dập thời gian gần đây. Sáng nay lúc ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi chợt giật mình khi đọc được tin Hà Nội vừa vọt lên thứ ba trong các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong tôi, một nỗi buồn thật lạ...

Khi xe gần đến nội đô, con đường bỗng nhiên hẹp lại với hai bên rào chắn lô cốt dài vô tận. Tôi hỏi người taxi:

- Hà Nội mở rộng đường sao em?

- Không anh ạ! Năm nào cũng thế, đến cuối năm thì em thấy họ lại rào chắn con đường này. Em cứ tưởng là đường sẽ được mở rộng ra. Đến khi những lô cốt được tháo ra thì con đường vẫn y như vậy, chả thêm được tấc nào!

Tôi phì cười mà liên tưởng đến TP.HCM. Chẳng khác gì nhỉ! Chợt nhớ đến câu rap của Hà Okio mà thấy thấm quá, dù anh ấy viết cách đây đã 16 năm :

"Ngoài kia người ta đang nháo nhào

Mưa ào ào mà đường thì cứ đào!" (Buổi sáng ở Ciao café)

Về khách sạn đúng 11 giờ trưa, đói cồn cào. Điều đầu tiên mà tôi nghĩ tới là cuốc bộ ra ngoài làm một bát phở. Trời thì lạnh, mưa rả rích. Trong cái bối cảnh này mà thưởng thức một bát phở Hà Nội thì không có gì bằng. Có điều kỳ lạ là trong TP.HCM, tôi có đi tìm những tiệm phở do người Hà Nội gốc nấu đi chăng nữa, vẫn không thể nào ngon bằng tô phở ngay tại đất Hà Nội. Tôi không thể lý giải được điều này. Cũng tương tự như một người Đà Lạt về TP.HCM trồng cải bó xôi, vẫn không thể sánh bằng cải bó xôi ăn tại Đà Lạt vậy! Thổ nhưỡng và thần khí một vùng đất là nguyên nhân chăng? Nói về thần khí một vùng đất, chuyến đi Hà Nội lần này vội thật, nhưng tình cờ tôi lại hiểu ra nhiều điều.

Hà Nội, một chuyến đi vội… - Ảnh 2.

Một góc Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội

Nguyễn Lan Hương 

Khi tôi tới dự buổi ra mắt MV Băng qua cánh rừng và album Lắng của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh ở một ngôi trường mà cô ấy đã trải qua 40 năm, từ lúc học những nốt vỡ lòng cho đến khi trở thành một nghệ sĩ và một cô giáo trong chính ngôi trường này, tôi ngờ ngợ là mình đã đến đây một lần. À nhớ rồi! Lần ấy Lê Minh Sơn có dẫn tôi tới: Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Đã 16 năm rồi mà ngôi trường vẫn vậy: rêu phong và đẫm màu thời gian. Kiến trúc và phòng ốc rất Pháp cho tôi cảm giác trước kia nó không dành cho trường nghệ thuật mà chuyển đổi từ một cơ ngơi nào khác.

MV Băng qua cánh rừng 

Âm nhạc: Võ Thiện Thanh, đàn nhị: NSƯT Dương Thùy Anh, vocalist: Bảo Lan, đạo diễn: Cao Hai Le

- Trường này có trước Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hay có sau vậy em? Tôi hỏi Bảo Lan.

- Có sau anh ạ! Nó có tuổi đời 56 năm rồi. Nhưng nó có vẻ "chảnh" hơn đấy!

- Vì sao ?

- Vì nó chỉ dành cho con em những ai có hộ khẩu hoặc là dân Hà Nội chính gốc anh ạ!

“Thì ra đây là một phiên bản nữa của Hogwarts rồi!". Tôi thầm nghĩ. Ngôi trường ấy vì nó nhỏ bé quá, mà nếu nhận hết các nhạc sinh từ mọi miền thì không thể đủ chỗ ngồi.

- Thế em cùng Dương Thùy Anh học trường này từ bé sao?

- Đúng vậy anh! Nhưng em học đàn bầu.

- Thế còn những ai nữa?

- Nhiều lắm anh! Giáng Son, Đỗ Bảo, 5 Dòng Kẻ, tam ca 3A, tam ca Con Gái... đã từng học ngôi trường này.

Buổi họp báo của Dương Thùy Anh khá ấm cúng, chân thật và chan chứa tình thầy trò, tình đồng nghiệp. Đắm trong không khí ấy cùng với hình ảnh ngôi trường rêu phong đậm màu thời gian, tôi mới hiểu vì đâu mà Dương Thùy Anh và Bảo Lan có một tình yêu và lòng đam mê nghệ thuật thật mãnh liệt như vậy. Khi thu âm album Lắng, có lúc tưởng chừng Thùy Anh không vượt qua được vì độ khó nhằn của những nốt không dành cho đàn nhị. Nhưng chính tình yêu âm nhạc mà các thầy cô cùng ngôi trường đã hun đúc, cô mới có sự mãnh liệt đó.

Sau khi màn song tấu Vũ điệu bầy đom đóm của Dương Thùy Anh và Bảo Lan vừa dứt, các thầy cô mà những mái đầu đã bạc phơ bước lên ôm hai cô vào lòng như ôm hai đứa trẻ. Có một thầy giáo già đến bắt tay tôi rồi nói:

- Cảm ơn anh đã giúp cho hai em thăng hoa với nghệ thuật. Tôi là thầy dạy Trần Mạnh Hùng những nốt đàn bầu đầu tiên đây.

Giọng người giáo già tràn đầy niềm hạnh phúc và tự hào. Tôi cảm được niềm hạnh phúc ấy qua ánh mắt sáng của ông, nơi âm nhạc đã gìn giữ một tâm hồn thật trong sáng, bất chấp thời gian in hằn vết chân chim nơi khuôn mặt.

Hà Nội, một chuyến đi vội. Tôi đã thấy một tình yêu âm nhạc thật mãnh liệt từ các cô gái.

Hà Nội, một chuyến đi vội. Tôi đã biết có những người giáo già đã hết lòng nâng niu từng ngón đàn nhị, đàn bầu với những học trò bé nhỏ, rồi một ngày hạnh phúc tràn đầy với những học trò nhỏ của mình nay đã thành danh.

Dẫu cái lạnh bất chợt và cơn mưa rả rích. Dẫu nỗi buồn thoáng qua khi chiếc taxi men theo những rào chắn lô cốt kéo dài lê thê. Nơi ấy có ngôi trường cũ đậm màu thời gian, ươm mầm cho biết bao tâm hồn nghệ thuật rất nhiều thế hệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.