Hà Nội hỗ trợ trang phục cho khách thăm di tích

13/05/2017 09:03 GMT+7

Từ tháng 6, du khách mặc quần cộc, áo thiếu kín đáo sẽ được các đơn vị quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội cho mượn trang phục phù hợp khi vào thăm quan di tích.

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khoác chiếc áo vải kẻ ca rô nhỏ màu ghi xanh được may để khách du lịch mặc quần quá ngắn và áo hở không phù hợp có thể mượn khoác lên người khi thăm quan di tích. Vải áo mát, rất thuận tiện khi hoạt động, lại kín đáo, lịch sự. “Đúng là có nhiều khách du lịch ăn mặc không đủ trang trọng nhưng vẫn muốn vào di tích. Vì thế, nhiều điểm di tích ở Hà Nội sẽ có trang phục để hỗ trợ các du khách này. Trước mắt, chúng tôi đang thí điểm ở đền Ngọc Sơn”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết, ngoài thí điểm ở đền Ngọc Sơn, việc cho khách mượn trang phục phù hợp cũng sẽ được thực hiện đồng thời ở điểm di tích 48 Hàng Ngang (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), số 5D Hàm Long (nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam) và 90 Thợ Nhuộm (nơi Tổng bí thư Trần Phú dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng).
Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã may khoảng 100 áo khoác (giá khoảng 500.000 đồng/chiếc) để khách có thể khoác bên ngoài bộ trang phục chưa đủ trang nghiêm của mình khi vào di tích. “Áo may bằng chất vải mát nhưng ít nhàu. Trang phục nữ màu vỏ đỗ có thêu hoa trước ngực, trang phục nam kẻ ca rô nhỏ màu ghi xanh. Áo khoác nam nữ đều có 3 size cho du khách lựa chọn”, bà Phạm Thị Hòa, Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, nói.
Sẽ có thêm các mẫu trang phục
Ông Nguyễn Đông, nhóm Đại Việt cổ phong (một nhóm nghiên cứu phục dựng trang phục, nếp sống cổ) rất ủng hộ chủ trương cung cấp trang phục cho khách mặc quần áo chưa phù hợp khoác khi vào di tích. Điều này sẽ tạo được sự tề chỉnh của các di tích. Theo ông Đông, tuy trang phục này hơi giống áo bác sĩ nhưng lại thích hợp với nhiều người.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết, tại một số điểm di tích ở Nhật Bản cũng đã thực hiện việc cho khách mượn trang phục khoác bên ngoài cho phù hợp. Trong đó có những chiếc áo Kimono may cải tiến dễ mặc, lại đẹp khi chụp ảnh, cũng quảng bá được văn hóa. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng: “Di tích ở Hà Nội có thể dùng những áo kiểu tứ thân nhưng cải tiến kỹ thuật may, vừa đẹp vừa có thể chụp hình lưu niệm”.
Bà Thu Hòa, một người nghiên cứu mỹ thuật cho biết nên có trang phục cho du khách mượn, tránh ăn mặc không phù hợp trong di tích. Theo bà Hòa, có thể dùng mẫu áo tấc (một kiểu áo dài) cho khách mượn, vừa là áo Việt Nam, vừa phù hợp với nhiều người, dễ quảng bá văn hóa.
Ông Trương Minh Tiến cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu cải tiến thêm trang phục cho phù hợp. Có thể bên cạnh bộ trang phục hiện tại sẽ có thêm các bộ trang phục khác để phục vụ khách thăm quan”.

Sở VH-TT Hà Nội đang được giao tổ chức thực hiện việc đưa Bộ quy tắc ứng xử công cộng trên địa bàn Hà Nội đi vào cuộc sống. Điều 11 của bộ quy tắc này quy định: tại khu vui chơi giải trí, điểm tham quan du lịch nên mặc trang phục phù hợp. Thí điểm và triển khai cung cấp trang phục cho khách mặc quần áo chưa phù hợp mặc khi vào di tích là một trong những hoạt động triển khai thực hiện bộ quy tắc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.