Hà Nội hóa chầu văn

30/09/2013 03:10 GMT+7

Vẫn đang chuẩn bị trình hồ sơ di sản, nhưng nghi lễ chầu văn (lên đồng, hầu bóng) đã có nguy cơ mất đa dạng do bị Hà Nội hóa.

 Hà Nội hóa chầu văn
Giá đồng cô Bơ Thoải, một giá đồng đầu tư trang phục rất cầu kỳ - Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, nói: “Vừa rồi chúng tôi có điều tra, lên đền tại Yên Bái, phần lớn do dân Hà Nội lên hầu trên đó. Rồi có chuyện đang Hà Nội hóa nghi lễ chầu văn. Các nơi đang học cách sang của Hà Nội”. Và điều đó đang gây tốn kém nhưng quan trọng hơn, xu thế Hà Nội hóa này mang đến nguy cơ mất tính đa dạng của nghi lễ tại các địa phương. “Các miền tiếp thu nhưng vẫn phải giữ cái riêng của mình. Chứ nghi lễ chầu văn không có tính đa dạng thì hỏng”, GS Thịnh nói bên lề Liên hoan Nghi lễ chầu văn hiện đang tổ chức tại Hà Nội.

Phần quan trọng của nghi lễ chầu văn, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, chính là nghệ thuật hát văn. “Di sản âm nhạc hát văn là trác tuyệt. Từ âm nhạc mà đẻ ra hết hành động của những người nhập hồn. m nhạc làm người nhập đồng thăng hoa vì những lời lẽ nịnh đồng và cách hát của nó. Cũng chính cung văn hát lên lai lịch của các ông thánh ông thần, xâu chuỗi tất cả thành thể thống nhất. Bộ VH-TT-DL cũng có lần hỏi tôi về giá trị của hầu đồng. Tôi nói giá trị sáng tạo nhất nằm trong cung văn”, ông Loan phân tích. GS Ngô Đức Thịnh cũng cho biết, hồ sơ di sản cho nghi lễ chầu văn nhất định sẽ có phần nói về di sản hát văn. Tuy nhiên, khi nằm chung trong cả một hồ sơ di sản lớn cùng với các yếu tố đạo Mẫu, lên đồng, chắc chắn vị thế của hát văn sẽ khó trở thành trung tâm. Trong khi hát văn hoàn toàn có thể trở thành một đối tượng bảo tồn, tôn vinh riêng.

Việc chỉ là một phần trong nghi lễ chầu văn đang được Hà Nội làm hồ sơ khiến người yêu di sản âm nhạc hát văn lo lắng. Sau khi ca trù trở thành di sản của UNESCO, Hà Nội còn chưa thể kiểm kê toàn diện được các trung tâm đào tạo ca trù, các CLB ca trù trên địa bàn của mình. 

Nhìn xa hơn, nếu được vinh danh, nghi lễ hầu đồng cũng sẽ có nhiều điểm tương đồng với ca trù. Cả hai cùng có yếu tố di sản âm nhạc quý. Cả hai cùng là di sản mà nhiều tỉnh có - điều dễ dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc. Vì thế, với hồ sơ tôn vinh di sản nghi lễ chầu văn, có lẽ nhà quản lý cũng như Hội đồng di sản quốc gia nên có những yêu cầu thật cụ thể về chương trình hành động. Có thế, nghi lễ chầu văn trong đó bao hàm cả hát chầu văn mới tránh khỏi biến tướng.

Trinh Nguyễn 

>> Hà Nội hoa sưa
>> Tiếc cho chầu văn
>> Chầu văn có “hiệp hội”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.