Hà Nội loay hoay với loa phường

Vũ Hân
Vũ Hân
14/10/2018 07:14 GMT+7

Hà Nội lại công khai lấy ý kiến người dân về việc nên hay không nên duy trì loa phường.

Loa phường một lần nữa gây chú ý khi Hà Nội lại công khai lấy ý kiến người dân về việc nên hay không nên duy trì hình thức thông tin này, cùng với đó là âm thầm tiếp tục thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa phường tại 4 quận nội thành.
Tháng 10.2017, sau một thời gian lấy ý kiến về loa phường với rất nhiều tranh luận, Hà Nội quyết định giảm số lượng loa ở 4 quận nội thành (mỗi phường chỉ còn 10 - 20 loa) và chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...). Vì thế, động thái Hà Nội lại đưa ra lấy ý kiến về loa phường khiến nhiều người bất ngờ.
Kết quả lấy ý kiến người dân lần 2 của Hà Nội tính đến 16 giờ ngày 13.10 Ảnh: V.H chụp màn hình
Kết quả lấy ý kiến người dân lần 2 của Hà Nội tính đến 16 giờ ngày 13.10 Ảnh: V.H chụp màn hình

Đợt lấy ý kiến người dân lần này của Hà Nội diễn ra trong thời gian không dài, chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng và sẽ kết thúc vào ngày 25.10. Cho đến 16 giờ ngày 13.10, đa phần người góp ý cho rằng mỗi phường giữ từ 5 - 10 cụm loa như hiện nay vẫn là quá nhiều (76,07%) và nên tiến tới bỏ loa phường trong quận (76,35%).
Người lớn tuổi tiếc nuối
Kết quả thăm dò của TP là vậy. Còn trong thực tế ra sao? PV Thanh Niên làm một cuộc khảo sát nhỏ với người dân tập thể dục quanh hồ Thành Công và công viên Thống Nhất. Kết quả cho thấy, một số bày tỏ “ác cảm” không giấu giếm với loa phường, nhưng nhiều người lại thấy tiếc nuối khi Hà Nội cắt loa phường quá đột ngột khiến một số sinh hoạt cụm dân cư bị đảo lộn, đặc biệt là việc lĩnh lương của các cụ hưu trí (vì không có lịch cố định một ngày trong tháng, các cụ thường nghe loa phường thông báo để đi lĩnh lương) và tuyên truyền chống dịch. Nhiều bác lớn tuổi nói đã không biết hiện Hà Nội có dịch sốt xuất huyết vì không nghe loa phường thông báo. Ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND Q.Hà Đông, cũng cho rằng quận này “may” là còn loa phường, nên tuyên truyền về việc đeo rọ mõm cho chó, tiêm chủng cho động vật, hay vệ sinh an toàn thực phẩm dễ dàng hơn nhiều.
Ông Phạm Ngọc Cơ băn khoăn về tương lai của thiết bị thông minh Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Phạm Ngọc Cơ băn khoăn về tương lai của thiết bị thông minh Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Phạm Ngọc Cơ (nhà A2, tập thể Thành Công, Q.Ba Đình), Trưởng ban Mặt trận của khu dân cư gồm 7 nhà cao tầng trong khu vực, chia sẻ: “Tôi khẳng định loa phường là cần thiết. Từ ngày Hà Nội cắt đi, chuyện nhỏ như nhắc treo cờ ngày lễ tổ trưởng dân phố cũng phải leo từng tầng một, gõ cửa từng nhà. P.Thành Công là một trong những phường đông dân nhất trong cả nước, 2,7 vạn người. Vừa qua dịch sốt xuất huyết, đài truyền hình TP cũng chỉ nói là sốt xuất huyết vào Hà Nội, làm sao hướng dẫn được người dân P.Thành Công ứng phó thế nào, khu vực nào của phường phải dọn dẹp cho sạch đi? Cái đó là loa phường chứ”.
Phải thay đổi cách làm
Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là người dân tiếc nhớ loa phường kiểu cũ. Chả phải vô cớ mà hơn 90% người được lấy ý kiến lần trước đề nghị bỏ loa phường. Ông Trần Chí Thành, nhà D2 Thành Công, thừa nhận dù có thấy thiếu vắng một số thông tin, nhưng trước kia gia đình ông và hàng xóm rất bị làm phiền bởi hệ thống loa này: giờ phát thì không hợp lý, chất lượng bản tin yếu.
Khu dân cư chúng tôi chỉ có 30% người dân có lương hưu, lương 3 - 4 triệu, chi tiêu người ta tính toán từng đồng, nên bảo lắp thiết bị này trong nhà mà trả thuê bao hằng tháng thì không ai đồng ý
Ông Phạm Ngọc Cơ (nhà A2, tập thể Thành Công, Q.Ba Đình)

Chị Đinh Thị Thu Hiền (P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ) thậm chí còn “bị stress vì phát thanh viên... nói ngọng và đến 90% thông tin phát là vô ích”. Loa ở khu dân cư nhà chị Hiền “một ngày đẹp giời” đã bị ném bẹp vì quá bức xúc, sau đó phường tháo mang đi đâu không rõ. Ngay ông Phạm Ngọc Cơ, người đã tham dự 20 cuộc họp lớn nhỏ về loa phường, từ cấp tổ dân phố lên đến TP, người cho rằng loa phường là cần thiết, cũng thừa nhận cách thức loa vận hành là “sai quá sai”. “Ngay cái việc duy trì cụm loa, tôi đã bảo là ai lắp đặt thì nên cho nghỉ việc. Đấu các loa quay đuôi vào nhau khiến âm thanh bị triệt tiêu, dễ gây tiếng rít. Rồi các mối dây nối cẩu thả, dây kém, phát thanh viên thì không chuyên trách, bản tin rất chán. Ở các khu phố cổ, cách nhà người ta có 2 m, 1 cụm 3 - 4 cái loa dội thẳng vào nhà, ai mà chịu được? Chung quy cũng là do cách làm”, ông Cơ nêu quan điểm.
Mập mờ thiết bị thay thế
Cùng với việc giảm số lượng loa phường, giữa tháng 10.2017, Hà Nội thí điểm một cách làm mới là lắp thiết bị thông minh (M-Gateway, hình dáng tương tự modem wifi) thay thế loa phường tại 200 hộ dân của 4 phường (Kim Mã, Thành Công, Tràng Tiền, Yên Hòa) thuộc 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy. Tuy nhiên, kết quả thí điểm rất không khả quan, vì thiết bị thì mới, nhưng Hà Nội vẫn vấp phải sai lầm cũ: cách làm.
Thông tin PV có được từ nhà cung cấp thiết bị cho biết TP sẽ tiếp tục thí điểm tại 200 hộ gia đình khác ở 4 quận nội thành (ở 4 phường khác) vì ý kiến sau thí điểm lần đầu quá khác nhau. Nguyên nhân do Hà Nội thử nghiệm thiết bị không đúng tính năng và không rõ ràng về kinh phí, khiến người dân hầu hết có phản ứng tiêu cực.
Cụ thể, thiết bị này là một cấu phần của “TP thông minh” (smart city) mà Hà Nội định xây dựng, với rất nhiều tính năng tích hợp như thanh toán tiền điện, nước và internet, khai sinh, khai tử, cảm biến cảnh báo cháy nổ, cảm biến cửa để xác định nhà có người xâm nhập, camera an ninh... nhưng Hà Nội đang truyền thông đến người dân như đây là thiết bị thay thế loa phường, khiến nhiều người băn khoăn không hiểu sao phải dùng thiết bị phức tạp và tốn tiền như thế thay vì duy trì 1 cái loa như cũ. Do thí điểm, nên các chức năng của thiết bị đều... vô hiệu (vì chưa tích hợp được với Cổng hành chính của TP), chỉ có đúng một chức năng hoạt động là phát lại bản tin của phường. Mà bản tin cũng lại rất kém chất lượng (cũng do thí điểm, chưa được đầu tư nhiều). Thế là, được một thời gian, nhiều hộ rút phéng thiết bị, vì “có phát gì đâu mà cắm”... Mà nếu không cắm, làm sao đánh giá được thiết bị hoạt động thế nào?
Chưa kể, cơ quan chức năng của Hà Nội đã quá “lo xa” khi yêu cầu doanh nghiệp không để người dân tự điều chỉnh âm lượng thiết bị, vì sợ người dân tắt mất (?). Điều này dẫn đến cảnh trái ngang là loa phát oang oang bất kể nhà có người già, trẻ nhỏ, người ốm, bất kể đang giờ nghỉ ngơi... Kết quả? Đương nhiên là người dân... rút điện, cho thiết bị nghỉ ngơi vĩnh viễn.
Nhưng băn khoăn chính là thiết bị giá bao nhiêu và người dân có phải bỏ tiền hay không thì không có lời đáp. “Khu dân cư chúng tôi chỉ có 30% người dân có lương hưu, lương 3 - 4 triệu, chi tiêu người ta tính toán từng đồng, nên bảo lắp thiết bị này trong nhà mà trả thuê bao hằng tháng thì không ai đồng ý. Tôi nói thẳng với TP, anh muốn người dân nghe thông tin từ anh mà anh bắt dân trả tiền thì vô lý”, ông Phạm Ngọc Cơ cho biết.
Trong phiếu phát cho người dân để khảo sát có để phương án tài chính (người dân có sẵn sàng bỏ tiền để lắp thiết bị, chi phí có thể chịu là bao nhiêu)... để căn cứ vào đó xây dựng đề án. Tuy nhiên, khi người dân chưa rõ mình có phải bỏ tiền không, tiện ích của thiết bị cũng không có gì đáng kể, Hà Nội đã mặc định thất bại của thí điểm. “Thử nghiệm kiểu này thì làm 5 năm, 10 năm thì cũng vẫn từng đấy ý kiến. Thử nghiệm thiết bị, nhưng cái người dân đánh giá lại là cái nội dung bản tin, nên thử nghiệm kiểu gì cũng sai”, đại diện nhà cung cấp bày tỏ và cho biết doanh nghiệp tiếp tục tham gia thí điểm, nhưng cũng chưa biết thí điểm sẽ đưa đến đâu.
Trong bối cảnh đó thì thái độ của cơ quan chức năng TP.Hà Nội cũng rất “lạ”: Tỏ ra rất cầu thị khi công khai lấy ý kiến người dân hết lần này lần khác, nhưng lại né tránh đối thoại khi PV nhiều lần liên lạc với người có trách nhiệm của Sở TT-TT mong giải đáp những băn khoăn của người dân mà không nhận được bất cứ sự hồi đáp nào.
Ý kiến
Giữ như cũ, nâng cấp bản tin
Loa phường nên giữ để phường, quận có chính sách gì mới, hay nhắc nhở dịch bệnh, vệ sinh nơi nào kém thì phát. Những bản tin đó rất có ích, rất hợp với lòng dân. Việc thay thiết bị mới cũng không hay, vì tôi đi thể dục ở ngoài đường vào giờ phát là tôi chẳng biết thông tin gì. Lắm khi nó phát oang oang trong nhà, chả ai nghe. Cứ giữ loa phường như cũ thôi, nhưng thông tin phát thì phải có ích.
Ông Dương Hồng Ngoạn, phố Thành Công, Q.Ba Đình
Tôi quên loa phường rồi
Dân khu phố chúng tôi gần như quên loa phường rồi, có gì thì thông báo trên bảng tin ở khu phố, kể cả dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu gom rác, từ thiện... Không có loa phường thì tổ trưởng dân phố vất vả hơn, phải đến từng nhà thông báo, nhưng cũng không có vấn đề gì lớn.
Hoàng Thị Hiền, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ dân phố 12, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân
Không cần thiết duy trì
Trong một đô thị hoàn chỉnh thì mọi người đều làm theo pháp luật, không còn nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng như lao động công ích, đắp đê... mà công dân sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình thông qua việc đóng thuế. Cùng với đó, họ cũng tiếp nhận thông tin từ những kênh riêng một cách có chọn lọc theo nhu cầu. Do đó, sự duy trì loa phường sẽ không cần thiết. Thậm chí, loa phường phát quá như thời gian trước đây sẽ xâm phạm quyền của người dân, làm phiền họ. Ngay cả những việc như thông báo lương hưu cho các cụ hưu trí, thì cũng dần dần tiến tới chi trả qua tài khoản, hoặc tốt nhất nên cố định một ngày, chứ không nên đổi lịch hằng tháng.
GS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Rồi loa phường sẽ “tự chết”
Nếu nói loa phường là một nét văn hóa Hà Nội thì không phải. Nó đúng hơn là một nét văn hóa của thời bao cấp. Nó vừa có cái dở vừa có cái hay. Và với những người có ký ức với thời bao cấp, lại cao tuổi thì loa phường có ích. Những người già ít lên mạng, ít thông tin, sẽ cần nó. Nó cũng sẽ có tác dụng gắn kết với những người cao tuổi. Nếu có duy trì thì nên duy trì để giữ kết nối với những người này. Còn với những người trẻ đang ngập trong thông tin trên mạng bây giờ, họ sẽ vô cảm với loa phường. Sau này, tôi nghĩ khi những lớp người gắn với ký ức bao cấp không còn nữa, thì loa phường cũng tự chết. Vì thế, theo tôi, nên có những điều tra cụ thể nhu cầu từng khu vực, từ đó sẽ quyết định nên lắp ở đâu, không lắp ở đâu. Không nhất thiết phải cùng lắp hoặc cùng không lắp.
Nhà văn “chuyên Hà Nội” Nguyễn Việt Hà
Phải có quy chế phát thông tin
Loa phường, cũng như mọi việc, đều có cái tốt và cái xấu. Đúng là với loa phường những thông báo tiêm phòng, hay dịch bệnh là cần thiết. Nhưng bao nhiêu phần trăm nội dung đó là thông báo hữu ích như thế, hay toàn là phát nhạc vào lúc không thích hợp. Nếu có để loa phường hoặc dạng khác của loa phường, đều cần phải xây dựng một quy chế rõ ràng. Phát thông tin giờ nào, cách thức ra sao để không ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.
KTS Lê Việt Hà, Phó tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị
Vũ Hân - Kiều Trinh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.