Những tải lá ấm bếp nhà
Có lẽ rất nhiều người ấn tượng với Hà Nội bởi mùa thu thơm lừng hương cốm, hương hoa sữa bảng lảng luồn vào từng ngõ nhỏ. Hay Hà Nội với mười hai mùa hoa mà hiếm nơi nào trên dải đất hình chữ S này có. Thế nên nhạc sĩ Giáng Son mới tha thiết bởi hoa đào, hoa sưa, hoa loa kèn, hoa sấu, hoa sen hay hoa cúc trong bài hát Hà Nội mười hai mùa hoa. Còn tôi, tôi lại ấn tượng bởi những mùa cây thay lá.
Nhớ khi tuổi còn thơ, nhà thiếu đủ thứ, từ cái ăn, cái mặc cho đến củi, đến than. Để tiết kiệm chi phí mẹ tôi đã tranh thủ đi quét lá rụng về phơi khô dùng để nấu cơm hay nấu nồi cám cho lợn. Nhà tôi ở ven đô, nơi có cánh đồng cò bay thẳng cánh nhưng rất ít rơm rạ vì mẹ chỉ có hai sào ruộng khoán. Những tải lá rụng xếp thành chồng trong bếp quý như vàng cho mùa thiếu cái đun. Chính vì vậy mẹ rất mong mùa cây thay lá.
Khi lớn lên, mỗi lần đạp xe trên con đường ngập tràn xác lá, tôi lại nhớ về mẹ với những buổi sớm tinh mơ dậy lo cho đàn con nhỏ rồi lặng lẽ mang theo cây chổi tre cán dài đi quét lá. Có những khi bụi đường bạc trắng mái đầu khiến mắt mẹ nheo, có những khi bất chợt cơn mưa rào làm ướt áo, nhưng mẹ vẫn cặm cụi quét lá để trở về trĩu nặng đôi vai với hai tải lá to hơn người. Mẹ bảo nhờ tải xác lá này mà đỡ bao chi phí đấy, có khi tiết kiệm được để sắm cho con manh áo mới.
|
Hà Nội, mùa cây thay lá, những con phố ngập tràn xác lá, người đi trong mưa lá bay, những thảm lá vàng trải dài như chuỗi kỷ niệm ùa về trong ký ức. Có những khi tôi theo mẹ đi xa vài cây số để quét lá. Lá xà cừ ào ào trút trong đêm, sớm ra một thảm dày tha hồ cho tôi quét. Thỉnh thoảng con bé tôi lại chạy theo những chiếc lá vừa rời cành đang xoay trong gió và bật lên tiếng cười khúc khích rồi nghe lời mẹ nhắc: “Nhanh rồi về kẻo nắng lên lại mệt”.
Có những chiều lang thang một mình trên phố, những thảm lá vàng lại khiến tôi nhớ tới nụ cười bác bảo vệ một cơ quan. Cổng vào cơ quan là hàng xà cừ cổ thụ, biết mẹ con tôi hay quét lá ở khu vực này, bác đã bảo cô lao công gom lá ở cổng, mẹ con tôi chỉ việc mang bao tải vào bốc. Tôi thích thú, cảm ơn bác rối rít, bác xoa đầu và dặn: “Sáng mai lại tới nhé, bác để phần”. Để phần xác lá chứ có phải quà gì to tát đâu mà sao tôi vui đến thế, tôi biết nhờ vậy mẹ sẽ nhanh được về nhà, đôi chân mẹ bớt mỏi và đôi vai bớt chai sần vì gánh đường xa. Niềm vui giản dị mà tôi chẳng thể quên, nụ cười bác bảo vệ ấm áp như những tia nắng cuối xuân đang lấp lánh vui cười.
Thanh xuân
Mùa cây thay lá năm ấy, tôi cùng anh đạp xe trên con đường ngập xác lá bay, ánh mắt anh nheo nheo chọc tôi để tiếng cười cứ vang mãi, vang mãi suốt một thời thanh xuân.
Hà Nội lạ lắm, lá trút vàng chẳng bởi mùa thu mà đơn giản chỉ lúc giao mùa khi những cây sấu, cây xà cừ thay lá. Những chiếc lá rời cành, rải thảm vàng óng ánh xuống vỉa hè kết hợp với màu nắng đầu tháng tư mà mọi thứ trở nên hoàn hảo, phố như đẹp hơn, thơ hơn.
Tôi đi trong một chiều lá bay dày như thế để nỗi nhớ chênh chao ùa về. Nhớ nụ cười thơ trẻ của chính tôi, nhớ nụ cười hằn năm tháng nơi đuôi mắt mẹ cùng những nốt chai sần trên đôi vai gánh cả gia đình, nhớ nụ cười ấm áp bác bảo vệ, nhớ cả những nụ cười thoáng gặp trên đường lá rụng bay bay và nhớ cả nụ cười thanh xuân khi tôi còn anh.
Thoảng gió nhẹ lả lơi làn tóc rối, đôi bạn trẻ tay trong tay tình tứ dắt dìu nhau xuống phố với nụ cười khoe sắc nắng và tình yêu ngọt lịm bờ môi. Còn tôi lang thang trong chiều lá rụng để bất chợt nghe đâu đây tiếng hát “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu” rồi luyến lưu những mùa cây thay lá đã qua.
|
Bình luận (0)