Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 7-8

25/03/2011 10:12 GMT+7

* TP.HCM nằm trong vùng động đất cấp 6-7 (TNO) Theo bản đồ phân vùng động đất Việt Nam, tại nước ta có thể xảy ra động đất mạnh cấp 8 - cấp 9 theo thang cấp động đất quốc tế MSK.

>> Hà Nội rung lắc vì động đất 7 độ Richter tại Myanmar
>> Nhà cao tầng Hà Nội bị rung lắc mạnh
>> Nhốn nháo vì rung chấn
>> Ít nhất 24 người chết vì động đất ở Myanmar

Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Địa cầu đã tiến hành phân vùng động đất Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thuỷ (Viện Vật lý Địa cầu) - một trong những thành viên tham gia đắc lực trong công trình nghiên cứu phân vùng động đất Việt Nam cho biết, dựa vào những đặc điểm địa chấn kiến tạo và đặc trưng các mặt của các hệ thống đứt gãy, có thể xếp các đứt gãy trên lãnh thổ nước ta thành 5 loại. Trong đó, loại 1 gồm các đứt gãy Sông Mã, PuMây Tun - Sốp Cộp; những trận động đất mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam đã từng xảy ra tại đây.

Thang động đất MSK được chia thành 12 cấp

Cấp I: rung động không nhận thấy.

Cấp II: rung động cảm thấy bởi một số người ở tầng cao của các khu dân cư.

Cấp III: rung động yếu cảm thấy bởi ít người.

Cấp IV: rung động yếu, cảm thấy bởi nhiều người.

Cấp V: làm người ngủ thức giấc, các vật thể treo đung đưa mạnh.

Cấp VI: làm nhiều người và các con vật sợ hãi, nứt tường nhà các khu dân cư.

Cấp VII: gây khiếp sợ hoàn toàn, hư hại các công trình xây dựng, sụt lở taluy, làm cạn các khe suối.

Cấp VIII: gây khiếp sợ và hốt hoảng, phá huỷ một số ngôi nhà cao tầng, trượt lở đất và xuất hiện các khe nứt nhỏ trên mặt đất.

Cấp IX: gây hốt hoảng hoàn toàn, gây hư hại nhiều nhà cửa, đá rơi, trượt lở đất - hóa lỏng.

Cấp X: phá huỷ hoàn toàn nhà cửa và khu dân cư, xuất hiện các khe nứt lớn trên mặt đất và sụt lở.

Cấp XI: phá huỷ các công trình xây dựng, xuất hiện khe nứt lớn trên mặt đất và nhiều nơi có hiện tượng trượt đất.

Cấp XII: thay đổi sâu sắc địa hình (địa hình bị đảo lộn), tất cả các công trình xây dựng bị hư hại hoặc bị phá hủy.

Nguồn: Viện Vật lý Địa cầu

Loại 2 gồm các đứt gãy sâu Lai Châu - Điện Biên, Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Cả - Rào Nậy và đứt gãy tây biển Đông; biểu hiện phát sinh động đất ở đây yếu hơn trong các đứt gãy loại 1 nhưng trong quá khứ cũng đã xuất hiện nhiều trận động đất mạnh.

Loại 3 gồm hệ đứt gãy sâu Đông Triều.

Loại 4 gồm các đứt gãy Cao Bằng - Tiên Sơn, Sông Đà, Mường Tè, Mường Nhé, hệ đứt gãy Đakrông - Huế, Trà Bồng, Ba Tơ - Củng Sơn, Sông Ba, các đứt gãy duyên hải Trung bộ và Nam bộ, đứt gãy sông Hậu, Tuy Hòa - Củ Chi, Vũng Tàu - Tông Lê Sáp, Lộc Ninh - Bà Rịa và đứt gãy Sơn Trà.

Loại 5 gồm những đứt gãy khu vực bậc thấp.

Theo bản đồ phân vùng động đất Việt Nam (tính bằng thang cấp động đất quốc tế MSK), nơi có thể phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 gồm các vùng Sông Mã, Sơn La và PuMây Tun - Sốp Cộp gắn liền với các hệ đứt gãy cùng tên (thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu). 

Động đất cấp 7 có thể xảy ra dọc theo sông Lô, Hoà Bình, Yên Bái và tại nhiều nơi thuộc khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam.

Các vùng cấp 6 bao gồm phần diện tích còn lại của lãnh thổ, là những nơi dự đoán có chấn động động đất bằng hoặc nhỏ hơn cấp 6.

Người dân tập trung tại khu chung cư phía sau siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng, Q.Cầu Giấy sau dư chấn động đất vào tối 24.3  - Ảnh: Phong Anh

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thuỷ nhận xét, động đất tại Việt Nam không mạnh so với tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất xuất hiện động đất mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 là rất thấp. Trong đó, trung bình khoảng 10 năm xảy ra 1 trận động đất mạnh cấp 7 và 5 năm xảy ra 1 trận động đất cấp 6... Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 7 - cấp 8, TP.HCM nằm trong vùng động đất cấp 6 - cấp 7. So với Hà Nội, nguy cơ xảy ra động đất tại TP.HCM cũng ít hơn. Trong các năm 1278 và 1285, tại Hà Nội đã xảy ra những trận động đất có độ mạnh cấp 7 - cấp 8.

Theo ông Nguyễn Văn Yêm (Viện Vật lý Địa cầu), Hà Nội và TP.HCM có nền đất yếu, lại có nhiều tòa nhà và công trình cao tầng nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn các địa phương khác nếu động đất xảy ra.

Một số trận động đất xảy ra tại Việt Nam

Trong tài liệu còn ghi lại, vào thế kỷ XII, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra tại Hà Nội đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi.

Hai trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay được ghi nhận bằng máy, gồm: Năm 1935, trận động đất mạnh 6,8 độ Richter đã xảy ra tại Điện Biên; năm 1983, tại Tuần Giáo (Lai Châu) xảy ra trận động đất mạnh 6,7 độ Richter.

Ngày 19.2.2001, tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) xảy ra trận động đất mạnh 5,3 độ Richter, làm 80%  nhà cửa và các công trình xây dựng tại đây bị rạn nứt, tổng thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng.

Đêm 28.11.2007, một trận động đất mạnh khoảng 5 độ Richter đã xảy ra tại khu vục ngoài khơi, cách Bà Rịa - Vũng Tàu 100 - 120 km làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng tại một loạt các tỉnh thành: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...

Ngày 17.2.2008, một trận động đất mạnh 2,2 độ Richter đã xảy ra tại Điện Biên.

Lúc 1 giờ 26 phút, ngày 3.3.2008, một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter xảy ra tại huyện Mường Tè (Lai Châu)...

Nguồn: Viện Vật lý Địa cầu

Làm gì khi xảy ra động đất?

Con người có khả năng dự báo động đất và cảnh báo sóng thần? Khi động đất, sóng thần xảy ra, chúng ta cần làm gì để hạn chế thấp nhất thiệt hại?

Trao đổi với Thanh Niên Online về những vấn đề này, ông Nguyễn Văn Yêm (ảnh) - chuyên gia về động đất, nguyên cán bộ Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết:

- Hiện tại Việt Nam và các nước trên thế giới chưa thể dự báo ngắn hạn và báo chính xác các trận động đất xảy ra. Tuy nhiên, con người có thể dự báo dài hạn bằng cách xây dựng bản đồ phân vùng động đất. Qua bản đồ này, chúng ta biết vùng nào dễ xảy ra động đất và nếu động đất xảy ra sẽ có khả năng mạnh khoảng bao nhiêu độ Richter. Cũng từ bản đồ phân vùng động đất, ngành xây dựng sẽ có những phương án để xây dựng các công trình có thể đối phó với động đất ở cấp độ nhất định, giảm được thiệt hại.

Sóng thần được sinh ra sau các trận động đất mạnh từ 7 độ Richter trở lên ở ngoài biển. Khi máy móc ghi nhận được trận động đất mạnh trên 7 độ Richter trên biển, biết được tâm chấn, nếu nó gây ra sóng thần thì phải mất một khoảng thời gian nhất định những cột sóng lớn mới có thể đổ vào bờ. Vì vậy, chúng ta có thể cảnh báo về sóng thần để người dân biết và triển khai các biện pháp phòng tránh có hiệu quả.

Dự báo sóng thần có mối liên hệ chặt chẽ với với việc nghiên cứu các vùng biển có thể xảy ra động đất mạnh trên 7 độ Richter. Trên cơ sở bản đồ phân vùng động đất, các nhà khoa học sẽ tính toán và đưa ra các kịch bản về sự ảnh hưởng của sóng thần khi nó xảy ra. Từ đó, quan sát có trận động đất xảy ra đúng như kịch bản sóng thần nào đã được xây dựng trước đó rồi đưa ra cảnh báo. Cảnh báo sóng thần mang tính chất báo động, để các cấp chính quyền và người dân có phương án phòng tránh.

Thưa ông, khả năng ghi nhận động đất của nước ta hiện như thế nào?

- Chúng ta hiện có 24 trạm quan trắc động đất được đặt tại nhiều nơi trên địa bàn toàn quốc. Số lượng trạm như thế này chưa phục vụ tốt cho công tác ghi nhận các trận động đất, mới chỉ ghi nhận động đất nhanh và chính xác nhất tại các tỉnh miền Bắc. Hiện tại, Viện Vật lý địa cầu đang xây dựng dự án lắp đặt thêm 10 trạm nữa tại một số nơi đang còn thiếu.

Nguy cơ xảy ra động đất và sóng thần ở Việt Nam là có thật. Ông có lời khuyên gì với người dân khi các hiện tượng này xảy ra?

- Nếu nghe thấy cảnh báo sóng thần thì người dân trong vùng phải sơ tán xa bờ biển ít nhất 300m hoặc tìm đến những nơi có độ cao hơn độ cao mà sóng thần có thể vươn tới. Những vùng có khả năng xảy ra sóng thần, khi tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, khu công nghiệp... mọi người cần phải tính toán đến độ cao của sóng nếu sóng thần xảy ra.

Liên Hiệp Quốc đã đưa những lời khuyên trong việc đối phó với động đất rất cụ thể và đơn giản: nếu đang ngồi làm việc trong nhà thì chui xuống gầm bàn để tránh những đổ vỡ; ở dưới tầng 1 thì phải tránh xa các khu nhà cao tầng, cây cổ thụ...

Xin cảm ơn ông!

Quang Duẩn (thực hiện)

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.