Theo Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, trận mưa sao băng Orionids (còn gọi là sao băng Tráng Sĩ) xuất hiện từ đêm 21.10 đến rạng sáng 22.10, được tạo bởi bụi còn sót lại của sao chổi Halley. Đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình, với cực điểm có thể lên đến 20 - 30 vệt sao băng mỗi giờ. Bình quân khoảng 2 phút mới nhìn thấy 1 vệt sao băng trên bầu trời.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 12.10, anh Vũ Thế Hoàng, Hội trưởng Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, cho biết: “Năm nay trăng khuyết cuối tháng sẽ chặn mất một số vệt sao băng mờ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tại Hà Nội thời gian gần đây nên những người yêu thiên văn học ở Hà Nội rất khó có thể quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này".
Tuy nhiên, cũng theo anh Hoàng, sao băng Orionids thường khá sáng nên những người yêu thiên văn ở các địa phương khác hoặc ngoại thành Hà Nội như: Ba Vì, Sơn Tây... vẫn có thể quan sát trận mưa sao băng này.
Theo các chuyên gia, để quan sát cả trận mưa sao băng, người yêu thiên văn nên tìm điểm quan sát ở vị trí cao, góc nhìn rộng, không có ánh đèn, không bị ô nhiễm không khí, cây cối và nhà cao tầng che khuất. Ở những khu vực có thời tiết nhiều mây và có mưa thì cơ hội quan sát được mưa sao băng rất thấp.
Ngoài ra, vào ngày 27.10, những người yêu thiên văn còn có thể quan sát sao Thiên Vương ở vị trí xung đối. Hành tinh sẽ sáng nhất trong năm do ở vị trí gần nhất với trái đất và bề mặt của nó được chiếu sáng hoàn toàn bởi mặt trời. Để quan sát hiện tượng này có thể sử dụng kính thiên văn hoặc ống nhòm nghiệp dư.
Theo anh Vũ Thế Hoàng, đây chưa phải là trận mưa sao băng được chờ đợi nhất trong năm. Trận mưa sao băng Geminisd (còn gọi là sao băng Song Tử) sẽ diễn ra vào tháng 12 tới là trận mưa sao băng được đánh giá là đẹp nhất với nhiều sao băng lung linh sắc màu.
Bình luận (0)