Tại hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển” diễn ra sáng qua 17.8, các nhà khoa học và cựu quản lý đã chỉ ra những bất cập về định hướng phát triển TP.Hà Nội, trong thời gian qua.
Nhiều trường học tập trung về Thủ đô khiến Hà Nội quá tải - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hoàng Văn Nghiên, đã bày tỏ tâm tư về sự phát triển nóng và sức ép dân số lớn lên sự phát triển của Hà Nội hiện nay. Theo ông Nghiên, chính sách cho phép thành lập trường trước đây, của Bộ GD-ĐT, khiến các trường ĐH, CĐ mọc ra như nấm. Trên địa bàn Hà Nội, hiện đang có 90 trường, với 68 trường ĐH và 22 trường CĐ, không kể các trường trung cấp và dạy nghề. Số sinh viên, cán bộ giảng dạy… của 90 trường tập trung lại, với 450.000 người, theo ông Nghiên, đã là một TP đại học, tương đương một TP bậc trung như Nam Định. Ông nghiên cho biết, từ năm 2008, TP từng dành sẵn 50ha đất ở Từ Liêm để Bộ GD-ĐT chỉ đạo giãn các trường ĐH quá tải, nhưng không thực hiện được, các trường mạnh ai nấy làm, tiện đâu mở đấy. Tương tự, việc phân cấp Hà Nội là tuyến cuối của ngành y tế, khiến Thủ đô đang bị quá tải với “8 bệnh viện quốc gia thuộc Bộ Y tế chen nhau xây dựng xếp chồng”, mỗi ngày có hàng vạn người từ các tỉnh về khám chữa bệnh.
GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, Hà Nội đã thực sự là một “siêu đô thị” xét cả về khía cạnh dân số và sự tập trung kinh tế, các giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục. GS Đức cho rằng, dân số Hà Nội, có phần “nóng” là do tác động của việc nới lỏng chính sách dân số tới các nhóm mục tiêu khác nhau.
Đề cập đến nguyên nhân và giải pháp, ông Nghiên thừa nhận, “là người trong cuộc, đã cảm nhận thấy lỗ hổng trong quản lý từ lâu”. Với đặc thù vừa là TP, vừa là Thủ đô, người được giao quản lý phải được gọi thẳng tên gắn với trách nhiệm như là: thống đốc hoặc đô trưởng, chứ không phải tỉnh trưởng, thị trưởng hay chủ tịch TP. Đây cũng là điều các nước trên thế giới đã làm, nhưng ở VN do hoàn cảnh chiến tranh, nên bỏ qua trách nhiệm cá nhân trong quản lý. Ông Nghiên cũng dẫn dụ, nhiều nước trên thế giới khi quản lý không phù hợp, quan hệ giữa TP và thủ đô không “sống chung” được, đã phải di dời thủ đô hoặc có một số thủ đô hành chính, chủ yếu chỉ để phục vụ điều hành đất nước…
“TP cần có các bộ lọc hữu hiệu đối với người nhập cư, để có thể định hướng quy hoạch được quy mô, cơ cấu thành phần dân cư Hà Nội về lâu dài. Việc phát triển vùng đô thị Hà Nội và các đô thị vệ tinh có thể sẽ giúp giảm sức ép nhập cư lên các quận thuộc đô thị trung tâm”, GS Đức nhấn mạnh.
Bình luận (0)