Hà Nội thêm nhiều trường đóng cửa, TP.HCM dự kiến mở rộng khối lớp được đi học

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/12/2021 19:46 GMT+7

Tại Hà Nội, cứ thêm địa bàn nâng cấp độ dịch lên mức độ 3 là trường học ở đó đồng loạt đóng cửa. Trong khi đó, TP.HCM đang dự kiến cho thêm học sinh các khối lớp trở lại trường từ đầu tháng 1.2022.

Vùng cam Hà Nội đóng cửa, TP.HCM vẫn dạy học trực tiếp

Theo Thông báo số 85 UBND TP.Hà Nội, 8 quận trên địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3. So với 1 tuần trước, số địa phương có mức độ dịch cấp độ 3 của Hà Nội tăng 48 địa phương, gồm 6 địa phương cấp quận và 42 địa phương cấp phường, xã.

Sở GD-ĐT Hà Nội lại tiếp tục hướng dẫn: toàn bộ học sinh thuộc các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Niềm vui đến trường của học sinh lớp 12 ở nhiều quận tại Hà Nội không được bao lâu

vũ hậu

Thời gian vừa qua, TP.Hà Nội đã cho phép học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã và học sinh lớp 12 toàn thành phố đến trường học trực tiếp. Đã có khoảng 64.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học an toàn.

8 quận thuộc vùng cam đều mới chỉ cho học sinh lớp 12 đi học với 50% số buổi/tuần, 50% số buổi còn lại các em vẫn ở nhà học trực tuyến. Như vậy, việc dạy học đang được tổ chức giãn cách tối đa.

Tuy nhiên, sau 3 tuần cho học sinh đến trường thì mỗi tuần đều có quận phải yêu cầu các trường đóng cửa do địa bàn trường đóng nâng cấp độ dịch từ cấp độ 1, cấp độ 2 lên cấp độ 3.

Cụ thể, sau đúng 1 tuần học sinh lớp 12 trở lại trường thì Q.Đống Đa trở thành “quận cam”, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường trên địa bàn quận này đóng cửa; sau 2 tuần thêm Q.Hai Bà Trưng và nay, sau 3 tuần, tổng số quận phải đóng cửa trường là 8, tăng 6 quận so với tuần trước.

Bản tin Covid-19 ngày 27.12: Cả nước 14.872 ca | Biến thể Omicron xâm nhập TP.HCM là tin sai sự thật

Trong khi đó, tại TP.HCM, sau 2 tuần cho toàn bộ học sinh lớp 9 và lớp 12 đến trường học trực tiếp, chiều nay 27.12, ngành giáo dục TP.HCM cho biết đã ghi nhận 47 F0, bao gồm 40 học sinh, 7 giáo viên tại các trường học tại 15 quận, huyện trên địa bàn.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin: “Tất cả học sinh phát hiện mắc Covid-19 đều được xử trí theo quy trình và thông báo về cho phụ huynh. Do đó, phụ huynh rất an tâm cho học sinh tiếp tục đến trường. Hiện việc học vẫn diễn ra đúng theo kế hoạch, học sinh lớp 9 và lớp 12 vẫn đi học”.

Sau 2 tuần học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường, Sở GD-ĐT TP.HCM còn đề xuất mở rộng các khối lớp còn lại được học trực tiếp từ ngày 3.1.2022. UBND TP.HCM đang xem xét và công bố những khối lớp nào sẽ đến trường, dự kiến vào ngày 30.12 tới.

Các trường học ở Hà Nội đều tổ chức phòng dịch rất chặt chẽ khi học sinh trở lại trường

đậu tiến đạt

Với địa bàn trở thành “vùng cam”, TP.HCM cũng không dừng dạy học trực tiếp mà hướng dẫn rất cụ thể: “Những trường học nằm ở địa bàn cấp độ 3 (vùng cam), dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, truyền hình. Cấp trung học, học sinh học trực tiếp không quá 12 tiết mỗi tuần. Học sinh lớp 6, 9 và 12 không quá 18 tiết. Trường không dạy 2 buổi mỗi ngày. Trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hoạt động tối đa 25% số lượng học viên”.

Ngày 15.10, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4726 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Văn bản này được ban hành sau khi tham khảo Bộ Y tế để không trái với quy định phòng, chống dịch.

Tại văn bản, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), Bộ GD-ĐT hướng dẫn: “Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch”.

40 học sinh TP.HCM mắc Covid-19 sau 2 tuần học trực tiếp

Đã mở cửa phải tính chuyện lâu dài

Thời điểm Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn dạy học trực tiếp, học sinh chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và đây cũng không phải là một trong những điều kiện mở cửa trường.

Thời điểm đó, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, dù mỗi ngày chỉ ghi nhận vài chục ca bệnh nhưng vẫn chưa mở cửa trường với lý do học sinh chưa được tiêm vắc xin. Đến thời điểm này, hầu hết học sinh THPT và phần lớn cấp THCS ở Hà Nội đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nhưng trường học mở ra được một chút lại đóng lại mỗi tuần nhiều hơn.

TP.Hà Nội cũng không có bất cứ công bố nào về việc sau thời gian cho học sinh lớp 9 ở các huyện ngoại thành và học sinh lớp 12 trên toàn thành phố đi học đã ghi nhận có trường hợp nhiễm Covid-19 hay không.

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, việc xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học ở Hà Nội cũng phức tạp hơn rất nhiều so với TP.HCM khi có F0 thì cả trường đóng cửa, cả lớp có học sinh F0 sẽ trở thành F1 và tiến hành cách ly tập trung,…

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến phụ huynh ở Hà Nội rất e ngại khi được hỏi có cho con trở lại trường hay không.

Phần lớn học sinh trung học ở Hà Nội đến thời điểm này đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19

đậu tiến đạt

Các chuyên gia, bác sĩ, nhà giáo cũng không ít lần lên tiếng về điều này và cho rằng nếu không có những hướng dẫn bình tĩnh, linh hoạt, thích ứng để có thể sống chung với dịch bệnh thì trường học không bao giờ có thể mở cửa bền vững, lâu dài được.

Thực tế trường học mở cửa vài ngày, 1 tuần hoặc vài tuần lại đóng đã và đang diễn ra ở Hà Nội.

Trong bài viết Học thôi, đừng sợ, bác sĩ Trương Hữu Khanh (TP.HCM), cũng cho rằng: “Điều quan trọng nhất với các trường là bình tĩnh, không hỗn loạn khi xử lý và có phương án tách F0 nhanh. Với những ca F0 ở TP HCM, tôi thấy các trường đã giải quyết rất gọn. Cháu nào bệnh tạm nghỉ ở nhà, các cháu còn lại xét nghiệm xong lại đi học tiếp nếu âm tính”.

Cũng theo bác sĩ Khanh: “Lứa tuổi học trò, điều quan trọng nhất là được phát triển cảm xúc, thông qua tiếp xúc trực tiếp, hàng ngày với bạn bè cùng trang lứa. Giữ trẻ ở nhà quá lâu có thể làm trì trệ cả một thế hệ về thể chất lẫn tinh thần.

Phụ huynh không thể vì nỗi lo của chính mình mà ngăn chặn quyền được sống với đầy đủ cảm xúc của các con. Không đi học bây giờ thì bao giờ?”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.