Đọc Hà Nội thênh thang ký ức, tập ký sự mới nhất của Nguyễn Văn Học, người đọc đi từ xúc động này đến xúc động khác. Hà Nội với những nét trầm tích văn hóa rất đỗi thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi và thân thương đến lạ. Đặc biệt với những người đã từng sống và gắn bó với mảnh đất này. Nguyễn Văn Học xem nó như là cội nguồn sinh dưỡng, nơi gắn với bao ký ức, niềm tin và sự yêu thương vô bờ.
22 bài viết trong Hà Nội thênh thang ký ức phần nào đã thể hiện những điều mà Nguyễn Văn Học muốn gửi gắm, những trăn trở, tiếc nuối, đôi lúc ngậm ngùi, xót xa trước quá trình đô thị hóa nhanh đến mức làm “bào mòn” nét văn hóa tốt đẹp của đất Hà thành. Bức tranh làng quê không chỉ được khám phá từ chính trạng thái hiện tại mà còn được tái tạo bằng ký ức. Do vậy bộ mặt quê hương luôn ám ảnh và hiện diện trong tâm trí, suy ngẫm của anh.
Để hoàn thành tập sách, với 22 bài viết được ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận về những nét văn hóa cổ truyền của Hà Nội đang dần mất đi, những tên đất, tên làng, nhất là ở vùng ven đô được Nguyễn Văn Học đào sâu khai thác bằng cái nhìn của một người trong cuộc. Bởi chính bản thân anh đã từng sống, gắn bó và cũng chính anh là nhân chứng sống cho những thay đổi chóng mặt, không cưỡng lại được đang diễn ra quanh mình. “Hà Nội đã 1.010 tuổi. Trong trầm tích văn hóa lâu đời, thành phố có nhiều khu phố được hình thành từ những ngôi làng, tạo nên những nét đáng yêu của phố phường. Trải qua thời gian phát triển, quá trình đô thị hóa, áp lực tăng dân số dẫn đến kết cấu làng thay đổi. Nhiều nét văn hóa, thiết chế văn hóa bị mai một...”.
Nguyễn Văn Học vô cùng tự hào về mảnh đất quê hương nhưng pha lẫn khắc khoải, buồn thương, xót xa quặn thắt khi văn hóa làng đang dần bị “xóa sổ”. Rồi đây bao thương nhớ về làng, bao ký ức đẹp về làng biết tìm ở đâu, nếu chúng ta không chung tay gìn giữ. Văn hóa làng trở thành một nỗi lo canh cánh, thường trực xuyên suốt trong toàn bộ tập sách: Những làng chèo ven sông Nhuệ, Trầm tích làng ngoại thành, Giá trị làng hiếu học, Chợt nhớ mắt làng, Nơi đâu những mảnh hồn làng, Khi làng lên phố...
Đọc bài viết nào cũng mang mang nỗi niềm trắc ẩn, cảm giác như anh muốn níu giữ cả không gian và thời gian. Bởi nhà văn Nguyễn Văn Học rất sợ mất, nhất là những thứ trở thành nét văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều thế hệ.
Trong bài Giữ tinh hoa làng nghề, Nguyễn Văn Học đưa ra số liệu về làng nghề truyền thống được công nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội là 272. Nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước như: làng nghề quạt giấy Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất); làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực); làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất); làng đúc đồng Ngũ Xá (quận Ba Đình); làng đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai), làng làm lân sư rồng Đa Sỹ (Hà Đông)... Anh cũng đặt ra vấn đề rất bức thiết: nếu không có những giải pháp đồng bộ và tích cực của tất cả các cấp, các ngành thì những làng nghề truyền thống này có nguy cơ bị mai một.
Một vấn đề nóng khác của Thủ đô bây giờ đó là làm thế nào để cùng chung tay vì những “lá phổi xanh”. Hà Nội tự hào là thành phố xanh, thành phố nhiều ao hồ mang lại những giá trị cảnh quan, môi trường độc đáo. Thế nhưng nhiều năm qua, nhiều ao hồ đã bị lấn chiếm hoặc lấp đi để xây dựng hạ tầng. Nguyễn Văn Học cảm thấy tiếc nuối khi mặt nước một số hồ đang dần bị thu hẹp, thậm chí một số lượng lớn ao hồ bị xóa sổ. “Theo CECR, từ năm 2015 so với năm 2010, diện tích ao hồ giảm 72.500 mét vuông. Chỉ tính từ năm 1990 trở lại đây, ở Hà Nội có tới 21 hồ bị “xóa sổ” và nhiều ao nằm xen kẹt trong các làng bị lấp” - con số tưởng khô khan nhưng ẩn trong đó là nỗi bức xúc, xót xa.
Có thể nói, đất và người cùng với những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội đã trở thành “đặc sản” vô giá, là nơi để mỗi con dân đất Việt hướng về như trái tim yêu của Tổ quốc. Nguyễn Văn Học chia sẻ: “Mỗi người đều có cách yêu thành phố riêng và muốn chung tay đóng góp để tôn bồi cho sự phát triển chung. Ngay như việc mỗi cá nhân hãy chấp hành nếp sống đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố cũng là cách yêu thành phố rồi, chứ chưa cần phải làm cái gì to tát. Tôi yêu thành phố và không phải tôi sẽ hô to lên về tình yêu ấy. Tôi yêu và tôi sẽ làm việc một cách âm thầm để cùng gìn giữ những vẻ đẹp của Hà Nội".
Và theo anh: "Mỗi con người sống ở Hà Nội là một gương mặt Hà Nội. Bởi từ cách sống, đi lại, ăn mặc, mỗi người đều là những thực thể có thể làm thành phố xấu đi hoặc đẹp hơn. Vậy thì chúng ta phải chung tay cho vẻ đẹp, bình yên của thành phố. Đó là thể hiện trách nhiệm với Thủ đô bằng những việc làm cụ thể. Làm sao để thành phố có tuổi 1.010 năm vừa văn minh, thanh lịch”.
Sách viết về Hà Nội, về những nét văn hóa cổ truyền đã có nhiều nhà văn viết thành công, với những thế mạnh riêng của họ. Nguyễn Văn Học đã tạo cho mình lối viết riêng bằng con mắt từng trải của một nhà báo, tinh tế và nhạy cảm của một nhà văn, da diết hoài niệm của một người đã sống và theo sát từng nhịp thở của đất Hà thành. Tập ký sự Hà Nội thênh thang ký ức được anh viết bằng tất cả tình cảm, tấm lòng của một người con Hà Nội “chính hiệu”. Người con ấy luôn dõi theo từng sự đổi thay, trăn trở và thao thức trước bao biến động của cuộc sống hiện đại. Đối với một người trẻ như Nguyễn Văn Học, điều này thật đáng trân trọng biết bao!
Bình luận (0)