Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay

12/04/2013 17:06 GMT+7

Sáng sớm, mẹ gọi về hỏi: “Hôm nay có mua bánh trôi bánh chay về ăn không con?” Bất chợt à lên, hôm nay là mùng 3.3 âm lịch, mẹ không nhắc thì mình quên mất.

Sáng sớm, mẹ gọi về hỏi: “Hôm nay có mua bánh trôi bánh chay về ăn không con?” Bất chợt à lên, hôm nay là mùng 3.3 âm lịch, mẹ không nhắc thì mình quên mất.

>> Người Hà Nội ăn tết Hàn thực 

Đã lâu lắm rồi mình mới về Hà Nội đúng dịp này. Khoác thêm áo, ra ngoài phố. Hình như phố tất bật hơn thường ngày. Trong không khí lại có mùi quen, mùi của bột, của đỗ xanh ngai ngái, mùi của Hà Nội thơm bánh trôi bánh chay.

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay
Quanh các con phố Hà Nội hôm nay nức hương bột, hương bánh

Còn nhớ hồi nhỏ, ông nội kể sự tích trăm trứng nở ra trăm con, sinh ra dân tộc Việt “con Rồng cháu Tiên”, làm mình thích lắm. Ông bảo, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra 50 người con lên rừng theo mẹ Âu Cơ, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển.

Chính bởi vậy, bánh trôi bánh chay như anh em, chẳng khi nào tách rời. Năm nào người dân mình cũng làm bánh trôi bánh chay để nhớ về nguồn cội đáng tự hào ấy. Càng lớn lên, mình càng yêu cái Tết nhẹ nhàng, giản dị hóa danh bằng chính tên gọi món ăn: tết bánh trôi bánh chay, dù nhiều người vẫn gọi nó là tết Hàn thực.

Đi qua những con đường lãng đãng và bình thản, nghe âm thanh của tết bánh trôi bánh chay lao xao. Các bà các cô đi chợ túm tụm lại mấy quán làm bánh ngon có tiếng ở Hà Nội xếp hàng mua. Hàng nào cũng nườm nượp người.

Vài cô cậu sinh viên không có giờ học, thảnh thơi ngồi thưởng thức bánh cùng nhau ở mấy bàn quán bên cạnh. Bây giờ, người Hà Nội bận rộn, thích nhanh gọn nên chủ yếu là mua cho tiện, chứ mấy ai lịch kịch tự làm như ngày xưa.

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay
Những hàng bánh trôi, bánh chay hôm nay đều đông khách

Mình còn nhớ mãi cảm giác ấm áp khi mẹ tất bật cùng mấy cô hàng xóm chọn gạo, chọn đỗ, rồi ngâm gạo, đỗ xanh qua đêm. Sáng sớm hôm sau, trong khí thanh thanh, se se của những ngày gió tháng Ba, mẹ gọi con dậy, chỉ cho con biết cách làm bánh vì: “Con gái lớn rồi, những món truyền thống phải biết làm chứ.”

Mẹ vo gạo thật sạch, đem xay kỹ, trút bột nước vào túi vải treo lên cho róc hết nước. Mẹ luôn miệng nói bí quyết, nào là nhớ cho tỷ lệ 9 phần nếp, 1 phần tẻ, như thế thì bánh mới dẻo, đỗ xanh phải chọn loại đỗ tiêu mới thơm, gạo thì phải nếp cái hoa vàng bánh mới mướt… Mình chỉ cười cười.

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay
Khách mua bánh đều là những người phụ nữ bận rộn nhưng vẫn muốn giữ ngày tết cho thế hệ sau

Mẹ kể, ngày xưa, bà ngoại làm còn công phu hơn nhiều, bà vốn kỹ tính mà. Bà toàn xay bột bằng cối đá bằng tay vừa chậm, vừa mệt nhưng bột rất nhỏ; dùng nước mưa hứng tàu cau để lắng cơ, bà bảo thế thì bột mới ngọt; gạo mới; đường phên nhất định phải là Dương Liễu, Cát Quế gói trong những tấm lá chuối khô buộc rơm vàng cơ. Nhưng giờ thì kiếm đâu những thứ ấy. Mỗi năm, mẹ đều kể đi kể lại những chuyện như thế. Mẹ nhớ bà ngoại…

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay
Những bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo viên bánh như mẹ mình vậy

Đứng lại quan sát cô chủ hàng làm bánh ngay trước mặt khách, bàn tay thoăn thoắt đưa đi đưa lại thật thích mắt. Các cửa hàng xung quanh đây, chỗ nào cũng có đến mấy người phụ làm, người nhào lại bột, người nặn bánh, người vớt bánh, nhộn nhịp và vui tươi. Khách đứng chờ từng mẻ bánh tranh thủ chuyện trò khiến con phố râm ran, sôi động hẳn.

Lúc trước, thấy mẹ viên bánh tròn, mình nghĩ “chắc dễ” nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy bẻ bột thế nào, vào nhân ra sao không phải đơn giản. Chỉ một chút lơ đễnh sẽ làm nhân bị lộ ra ngoài vỏ bánh. Luộc bánh cũng là cả một nghệ thuật, mẹ bảo: “con gái phải nhẹ nhàng, không được nóng vội”.

Khi nước sôi, lần lượt thả từng chiếc bánh một chứ không thể tiện tay đổ ào cả mẻ, nước trong nồi lạnh đi đột ngột, dễ làm bở bột, vỡ bánh. Khi bánh “ba chìm bảy nổi” là được, vớt ra phải ngâm ngay trong nước lã đun sôi để nguội cho bánh săn mình trở lại. Lúc cho bánh lên bát, lên đĩa, mẹ còn rắc vừng trắng rang thơm trên mặt bánh.

Còn bánh chay thì cầu kỳ hơn một chút. Đậu xanh xay vỡ, ngâm cho những hạt đỗ lóc hết vỏ, rồi đồ chín, giã nhuyễn cùng với đường kính trắng, trang trí thêm vài sợi dừa nạo trắng muốt. Khi ăn, chan vào bát bánh chay một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hương bưởi.

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay
Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay

Hà Nội thơm phức bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi bánh chay đem hương ngập phố Hà Nội

Mình vào Sài Gòn, ngày tết Hàn thực không nhộn nhịp như phía Bắc. Tên gọi khác một chút, vị khác một chút, làm mình thấy bỡ ngỡ lúc ban đầu. Hương bưởi cứ mãi thoang thoảng trong những kỷ niệm ngày gió tháng Ba, sắp rét nàng Bân. Nhưng rồi mình nhận ra, sự đa dạng trong các biến thể của bánh trôi bánh chay cũng như sự đa dạng vùng miền đều đáng trân trọng và giữ gìn bởi nó gắn với một truyền thống ý nghĩa.

Các cô làm bánh để bán bây giờ cũng làm các bước tương tự như mẹ mình, nhưng chắc ít ai còn giữ nguyên hương hoa bưởi thuần chất, có chăng thì dùng tinh dầu để giữ vị mà thôi.

Tuy nhiên, nhìn từng dĩa, từng hộp, từng chén bánh đẹp đẽ, trắng ngần và tinh tươm bày khắp phố. Thấy sự háo hức trong ánh mắt những người kiên nhẫn xếp hàng, bỗng nhận ra Hà Nội tháng Ba âm lịch năm nay, vẫn se se, thanh thanh và vẫn thơm nhỉ!

Tạ Ban
Ảnh: Giang Kenji

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.