Sau tuyên bố 1 năm nữa người Hà Nội có thể được ngắm cây phong lá đỏ của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, dư luận đang hết sức xôn xao chờ đón loại cây nổi tiếng này.
Hiện Hà Nội đã triển khai trồng 100 cây thử nghiệm tại tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), bắt đầu từ ngã tư giao với đường Nguyễn Chánh đến chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Trao đổi với Thanh Niên về thử nghiệm này, chuyên gia lâm nghiệp và phát triển cộng đồng Đoàn Diễm hoan nghênh việc thử nghiệm những loài cây mới, nhưng cho rằng thử nghiệm trên đường thì hơi phiêu lưu.
“Nên thử nghiệm trên một công viên nào đó, còn trồng cây ôn đới trên đường thì vào mùa hè, khả năng cây bị chết là rất cao. Xu hướng du nhập các loài cây mới cũng là tốt, nhưng cần thực hiện qua quá trình thử nghiệm đầy đủ để đỡ lãng phí. Cây trồng ở vườn ươm khác, ở công viên khác mà trên đường lại khác. Tôi cho rằng thử nghiệm ngay trên đường thì rất dễ thất bại”, ông Đoàn Diễm nêu quan điểm.
tin liên quan
Sẽ kiểm điểm cán bộ xã trong vụ chặt cây xanh khi dọn dẹp vỉa hè“Nên sử dụng những cây mà mình đã có kinh nghiệm trồng rồi. Cây nhiệt đới sống được ở thành phố còn khó. Cây ôn đới nên thử ở Sa Pa, Đà Lạt thì hợp hơn”, ông Diễm chia sẻ.
Có quan điểm ngược lại, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng tỏ ra lạc quan về số phận cây phong ở Hà Nội. Theo ông, cây phong có nhiều giống khác nhau. Giống phong nổi tiếng ở Canada có lá to bằng bàn tay, nhưng giống trồng ở Trung Quốc chỉ to bằng lòng bàn tay.
“Tôi đã đi thực tế và ở miền Nam Trung Quốc trồng loài cây này rất nhiều. Thành phố Giang Thành, ngay giáp tỉnh Điện Biên của chúng ta, cũng đã trồng thành công. Trung Quốc rất thích loài cây này. Ưu điểm của nó là thân không to lắm, 30 năm chỉ 30-40 phân; cao vừa phải, chừng 5, 6 m; lá rất đẹp, lúc xanh màu nõn chuối, già có thể chuyển sang vàng hoặc đỏ tùy điều kiện nhiệt độ. Trồng ở đường phố là rất phù hợp. Nhiệt độ ở Hà Nội gần tương đương với miền nam Trung Quốc, nên cá nhân tôi đánh giá là nó sẽ mọc tốt” , ông Nguyễn Lân Hùng chia sẻ với Thanh Niên.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đây là một dự án thử nghiệm do một doanh nghiệp tài trợ chứ không phải tiền nhà nước, nên "bà con yên tâm là không có thiệt hại ngân sách nếu thất bại".
Bày tỏ quan điểm về xu hướng “thay máu” cây xanh đô thị bằng việc thử nghiệm rất nhiều loài cây nổi tiếng thế giới ở Hà Nội dưới thời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng rất hoan nghênh: “Rất nên thử nghiệm cây mới, đặc biệt những loại cây đã có thương hiệu trên thế giới. Nên đưa nhiều cây vào, tạo ra sự đa dạng cho cây xanh đô thị. Chúng ta đã có bài học rất lớn từ Singapore. Bản thân họ không có cây gì cả, nhưng họ đã mang các loài tiêu biểu của cả thế giới về trồng tạo ra điểm sáng điển hình cho Đông Nam Á”.
Ông cũng khuyến cáo dư luận nên bình tĩnh với các thể nghiệm, vì cây bàng lá nhỏ (cây chiêu liêu) trước đây rất nhiều người nghi ngờ, giờ cũng đã ra lá.
Trước đó, chia sẻ tại hội thảo về cây xanh Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tỏ ra rất lạc quan khi tuyên bố “chắc độ 1 năm nữa thì các quý vị sẽ thấy chúng ta hoàn toàn nhiệt đới hóa được loại cây phong, đem màu sắc của châu Âu đến vùng nhiệt đới". Ông Chung cũng cho biết thành phố đã vận dụng các kiến thức khoa học, nghiên cứu tường tận và đặc biệt là tham khảo ý kiến của các chuyên gia rồi mới chỉ đạo công ty Công viên cây xanh thí điểm.
Đại diện công ty Công viên cây xanh cũng cho biết cây phong hiện đã được trồng ở nhiều địa phương khác trên cả nước như trên đỉnh Fansipan (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... nhưng đây đều là những khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa.
Bình luận (0)