Sáng 30.3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện dịch từ Bệnh viện Bạch Mai đã lan ra gần 20 quận, huyện của Hà Nội, và ông Chung “tin là chỉ trong thời gian ngắn, sẽ lan ra 30 quận, huyện; vì số lượng người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai là rất lớn”.
Bước đầu, một số quận, huyện đã báo cáo phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 từ việc rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ 10.3 đến nay, như huyện Thường Tín, huyện Thanh Oai…
Tuy vậy, ông Chung cũng cho rằng, việc dập ổ dịch này là “hoàn toàn có thể làm được, nếu có ý thức tự giác từ mỗi cá nhân, gia đình cộng đồng”, vấn đề hiện nay là “thời gian và khoanh vùng thế nào”.
“Chúng ta để ý là hiện nay các ca bệnh của Bạch Mai không chỉ lây lan cho người trong bệnh viện, không chỉ lây cho bệnh nhân, mà từ người nhà, người làm ở trong Bạch Mai đã lây tiếp cho người thân. Ví dụ như trường hợp làm việc tại Công ty Trường Sinh lây cho vợ; bệnh nhân ở Lai Châu lây cho con, cho cháu. Tốc độ lây lan của virus rất lớn, theo cấp số nhân, điều này đã được thế giới khẳng định”, theo ông Chung.
Ở miền Bắc này chỉ còn ổ dịch xuất phát từ Bệnh viện Bạch Mai. Nếu không ngăn được, hậu quả sẽ khôn lường
Do nhận định hiện nay dịch đang vào giai đoạn viễn cảnh hết sức phức tạp, ông Chung lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo, các quận, huyện là dịch “còn dai dẳng”, cần chuẩn bị phương án cho dài hạn, chứ không phải cho ngắn hạn.
Để đối phó với tình hình trước mắt, do Hà Nội đã được Bộ Y tế chuyển do 5.000 test nhanh, có kết quả trong 10 phút (mẫu test này nhập ở Hàn Quốc), thông qua xét nghiệm máu, ông Chung yêu cầu CDC Hà Nội khẩn trương cập nhật các thông tin về phương pháp, cách làm… Sở Y tế phải huấn luyện cho Trạm y tế các quận, huyện để triển khai.
“Chuẩn bị cho tôi 10 tổ công tác, kèm theo cả công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, tổ chức lấy mẫu test nhanh ở các quận huyện, một số khu tập trung đông người. Trước mắt, chiều nay triển khai luôn ở tất cả các phường quanh Bệnh viện Bạch Mai. Tôi đã nhờ 1 công ty cung cấp cho chúng ta 10 lều theo tiêu chuyển của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có điện, có wifi, có thể làm việc được. Người ta cho thuê 1 tháng khoảng 6-7 triệu đồng. Trước mắt, chúng ta thuê 10 cái”, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo.
Công an Thành phố được giao tăng cường cho CDC 10 chiếc xe, kèm cả lái xe, để phục vụ lấy mẫu di động. CDC phải trang bị ngay quần áo bảo hộ theo đúng quy định.
“Trước mắt, chúng ta sẽ tổ chức các trạm test nhanh ở các phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai, sau đó tiến tới là các bệnh viện ở nội thành, ngoại thành, một số nơi đông người khác. Nếu chúng ta tìm ra các ca bệnh sớm, sẽ tránh được rất nhiều nguy cơ phát tán ra cộng đồng”, theo ông Chung.
Mô hình trạm test nhanh này là mô hình được Hàn Quốc thực hiện để khoanh vùng nhanh các ca mắc dịch. Theo Chính phủ Hàn Quốc, cho đến giữa tháng 3, nước này đã lập 50 trạm xét nghiệm nhanh (drive-through testing station) để lấy mẫu xét nghiệm với người dân khu vực có dịch. Người dân chỉ việc lái xe qua trạm, và việc lấy thông tin, lấy mẫu chỉ diễn ra trong vòng 10 phút mà người được xét nghiệm không cần bước ra khỏi xe.
Đây là cách làm vừa tránh nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế, vừa tránh nguy cơ cho người được lấy mẫu.
Vào thời gian cao điểm, Hàn Quốc test khoảng 18.000 mẫu/ngày. Với Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, cộng dồn cho tới 16 giờ chiều nay, 30.3, tổng số mẫu đã được xét nghiệm là 35.808 mẫu, tức là chỉ bằng số mẫu Hàn Quốc xét nghiệm trong 2 ngày, trong khi dịch ở Việt Nam đã xuất hiện được 2 tháng.
“Đây là lúc cao điểm nhất, nguy hiểm nhất từ khi thực hiện nhiệm vụ này. Chúng ta đã đi được 60 ngày đêm. Nếu vào đợt cao điểm này, chúng ta làm trong 2 tuần tới hạn chế được lây lan, thì tôi tin sẽ thành công. Ở miền Bắc này chỉ còn ổ xuất phát từ Bệnh viện Bạch Mai. Nếu ngăn chặn được sẽ ổn, còn không ngăn được, (hậu quả - PV) sẽ khôn lường”, ông Chung nhận định.
Bình luận (0)